Vụ AVG: Biết người nhận hối lộ giữ 3 triệu USD, vì sao không thể kê biên nhà ngay?

(Dân trí) - Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí giải thích, trong vụ AVG, dù biết bị can (ông Nguyễn Bắc Son) nhận hối lộ 3 triệu USD, lấy lại được 500 triệu đồng đã là cả một cuộc đấu tranh. Biết là khoản tiền phạm tội vẫn giữ đó, nhưng muốn lấy lại cũng phải theo quy định pháp luật, không thể nói là kê biên nhà được ngay…

Thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề nóng, được “truy” rốt ráo tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý năm 2019 tại ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/9.

Tại đây, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề, việc thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng dù đã tốt hơn nhưng số liệu cuối cùng, tỷ lệ tài sản thu hồi được vẫn rất thấp so với số thiệt hại tội phạm gây ra.

Vụ việc thời sự nhất khiến dư luận có nhiều khúc mắc là về vụ AVG, số tiền một bị can (cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son – PV) nhận hối lộ tới nhiều triệu “đô”, đối tượng đã thừa nhận nhưng mới chỉ nộp lại 500 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi lại đủ số tiền tương đương… 70 tỷ đồng.

Theo đó, chuyện chậm kê biên, phong toả tài sản của những người phạm tội, để đối tượng tẩu tán tài sản dù đã được đề cập nhiều nhưng vẫn để tái diễn. Đó chính là một hạn chế chưa được các cơ quan tư pháp khắc phục tốt, tiếp tục gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Vụ AVG: Biết người nhận hối lộ giữ 3 triệu USD, vì sao không thể kê biên nhà ngay? - 1
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí lý giải việc chưa thể kê biên nhà, tịch thu tài sản của người nhận hối lộ 3 triệu USD.

Giải trình về vấn đề này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định trước hết, để đạt được kết quả là chứng minh được yếu tố tham nhũng, vụ lợi, chiếm đoạt tài sản như trong vụ án AVG đã là hết sức khó khăn.

Còn về việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận nhận hối lộ nhiều triệu “đô-la” nhưng mới thu hồi được vài trăm triệu từ đối tượng, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng quả quyết, đó cũng là cả một cuộc đấu tranh.

“Người ta nhận là nhận tiền hối lộ rồi nhưng lại nói người khác giữ, không chịu nộp lại thì chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, không còn cách nào khác. Đấu tranh, chống bỏ lọt tội phạm thì cũng vẫn phải bảo vệ quyền con người nữa. Như vậy, việc đấu tranh phải có lộ trình, làm chặt chẽ từng bước chứ không thể nói thu hồi tài sản tham nhũng là kê biên nhà người ta ngay được vì việc đưa - nhận tiền giữa các đối tượng có giấy tờ, chứng cớ gì đâu. Biết là người đó giữ 3 triệu USD đấy nhưng muốn lấy lại cũng phải làm theo quy định của pháp luật” – ông Lê Minh Trí phân trần.

Vụ gian lận thi: Sẽ khởi tố thêm 7 đối tượng, điều tra tội đưa – nhận hối lộ

Chuyển sang vấn đề phân công thụ lý điều tra các vụ án mà Ủy ban Tư pháp cho rằng các cơ quan Tư pháp Trung ương “ôm việc”, kéo án ở địa phương lên làm quá nhiều, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu thực tế, có những vụ án để dưới địa phương thậm chí 1-2… nhiệm kỳ vẫn làm không ra. Vì vậy, nhiều trường hợp, Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao mới thống nhất hướng xử lý, nếu địa phương không làm được thì cấp Trung ương kéo lên xử lý.

“Các vụ án mà Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng  Trung ương theo dõi, chỉ đạo thực tế đều là án ở dưới địa phương hết nhưng khi kéo về thì mới điều tra ra kết quả được, còn để ở dưới là không làm được” – ông Trí quả quyết.

Ông dẫn chứng ví dụ điển hình là vụ gian lận thi cử ở Sơn La vừa qua. Viện trưởng Trí thông tin: “Tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng đến giờ, các cơ quan tư pháp Trung ương đang định lấy hồ sơ vụ án lên để điều tra tội đưa và nhận hối lộ. Cơ quan chức năng sẽ còn khởi tố bổ sung 7 đối tượng nữa. Vậy mà tỉnh thì lúng túng, không làm được”.

Vụ gian lận thi này, theo ông Trí, trong buổi làm việc sáng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng trao đổi với ông, bày tỏ trăn trở là vụ việc có dấu hiệu về tội đưa và nhận hối lộ, “khép” các đối tượng vào tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không chính xác, không thỏa đáng vì có thể thấy yếu tố nhận tiền ở đây.

Viện trưởng VKSND tối cao khái quát, nhìn chung, án tham nhũng mà để địa phương điều tra thì khó thành công, thực tế rất khó khăn.

Trao đổi lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đánh giá về việc này cần phải dựa trên các căn cứ, quy định pháp luật, không thể ra quyết định dựa trên cảm tính. Bà Nga đề nghị thống kê cụ thể số vụ án cơ quan điều tra Trung ương phải lấy từ địa phương lên xử lý. Bà cũng gợi ý tách hệ thống cơ quan điều tra khỏi bộ máy chính quyền địa phương theo ngành dọc để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực hoạt động.

P.Thảo