“Với tôi, Trường Sa như là quê hương thứ 2!”

(Dân trí) - “Về đất liền rồi, tôi nhớ đảo muốn ra thăm lắm. Với tôi, Trường Sa như là quê hương thứ 2!”, anh Huỳnh Quyền (TP Cam Ranh) xúc động chia sẻ với PV Dân trí như thế sau 5 năm anh cùng vợ con sinh sống, lao động ở đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Những kỷ niệm từ Trường Sa

Tháng 4/2008, anh Quyền cùng vợ là chị Trần Thị Nga và 2 con tạm biệt đất liền ra Trường Sa sinh sống. Gia đình anh Quyền ở đảo Song Tử Tây đến tháng 6/2013 thì về lại Cam Ranh. Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh kể: “Những ngày đầu tiên vì chưa thích nghi với cuộc sống mới nên còn nhiều bỡ ngỡ! Cũng như các hộ dân tự nguyện ra đảo sinh sống, tôi được tạo điều kiện đi đánh cá ở ven bờ, còn vợ tôi thì nấu cơm giúp cho bộ đội”.

Anh Quyền kể, ra Trường Sa sinh sống, nghề đánh cá được coi là công việc thú vị của các hộ dân. “Cá ở ngoài đó thì nhiều bát ngát!”, anh hồi tưởng lại công việc hằn sâu trong trí nhớ của mình. Theo anh, các hộ dân đi đánh cá bằng thuyền thúng bằng cách chèo thúng thả lưới vây cá ở vùng biển cách bờ 30-50m. Lưới sau khi thả xuống vây cá, lưới sẽ được nhiều người kéo lên một thúng và mẻ lưới nào cũng đầy ắp cá bò sừng, cá bè, cá phèn…

Anh Huỳnh Quyền (TP Cam Ranh) trò chuyện cùng phóng viên Dân trí
Anh Huỳnh Quyền (TP Cam Ranh) trò chuyện cùng phóng viên Dân trí

Hai con gái của anh là cháu Huỳnh Thị Tố Ngân khi đó tròn 6 tuổi và cháu Huỳnh Thị Bảo Trâm tròn 3 tuổi. Anh kể, điều khiến vợ chồng anh vui mừng là sau khi về lại đất liền, cả 2 cháu đều học rất giỏi. “Ở Trường Sa, các cháu được các thầy dạy bảo tận tình, chu đáo nên rất chăm ngoan. Thầy Long, thầy Việt, thầy Thái… là những người thầy đã dạy con tôi!” anh kể thêm. Hiện nay, Ngân đang học lớp 9 của một trường THPT tại TP HCM.

5 năm sinh sống ở Trường Sa không phải là dài trong đời một con người nhưng đã cho anh biết bao kỷ niệm đẹp về tình quân - dân mà anh gọi là “như cá với nước” giữa trùng khơi. Đó là những lời động viên, hỏi thăm chân thành của những người lính đảo từ những ngày đầu anh mới đến, rồi những ngày anh đi làm công đức cho nhà chùa, đến những ngày đánh cá với những mẻ lưới đầy ắp… Do vậy, khi về đất liền, dù cuộc sống chưa ổn định nhưng anh vẫn mong một lần ra thăm Trường Sa, thăm lại những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

“Ra đó sinh sống một thời gian mặc dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn so với đất liền nhưng tôi thấy tình quân - dân hơn cả người thân trong gia đình! Nhiều lúc muốn sống mãi ở ngoài đó không muốn về nhưng mà đăng ký ở lại không được. Về đất liền rồi, tôi nhớ đảo muốn ra thăm lại lắm! Với tôi, Trường Sa như là quê hương thứ 2 của mình!”, anh thổn thức.

“Tôi nhớ cái những Tết ở Trường Sa…!”

Khác với đất liền, những cái Tết ở đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa với anh thật đặc biệt và khó có thể quên trong cuộc đời! Những chuyến tàu hậu cần đưa hàng Tết ra Trường Sa cập đảo rất sớm. Các hộ dân cùng bộ đội khẩn trương bốc xếp, đưa hàng hóa vào kho bảo quản.

Anh kể, vào những ngày 28-29 tháng Chạp, không khí Tết ở trên đảo thường rất háo hức, rộn ràng. Mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng cờ hoa… để chuẩn bị đón Tết. “Các hộ dân gói bánh tét bằng lá dong ở trong đất liền gửi ra. Mỗi hộ gói 4-5 cây rồi đi mượn xoong của bộ đội nấu chung”, anh hào hứng kể về không khí chuẩn bị đón Tết ở Trường Sa.

Anh Quyền được tặng nhiều bằng khen sau khi từ Trường Sa trở về
Anh Quyền được tặng nhiều bằng khen sau khi từ Trường Sa trở về

Đêm giao thừa, các hộ dân thường đến chùa thắp hương cầu an. Sau giao thừa, họ thường điện về chúc Tết người thân ở đất liền. Sáng mùng 1 Tết, Ban chỉ huy đảo đi chúc Tết các hộ dân. Sáng mùng 2, các hộ dân đi chúc Tết Ban chỉ huy đảo và các đơn vị trực thuộc đảo. Ngày mùng 3 Tết, toàn quân - dân trên đảo cùng nhau đi trồng cây, tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao. Tình quân - dân càng thắm thiết hơn với các hoạt động như bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố...

Anh kể thêm, ở đảo Song Tử Tây, món ăn ngày Tết thường được yêu thích nhất là món “thịt đông heo”. Đây là món ăn được nấu lỏng, chế vào các bát xứ rồi để nguội thì đông lại. “Món này được làm bằng thịt heo, hành, tiêu, nấm… nên khi nhai thì nó sừn sựt, thơm ngon!”, anh kể. Ngoài ra, ở đảo đu đủ rất nhiều nên dưa món cũng là món không thể thiếu trong ngày Tết.

“Tết ở trong đất liền thì chúng ta thường đi chúc ông, bà, người lớn tuổi. Ngày Tết ở đảo, các cháu nhỏ thường được các chú bộ đội lì xì! Tết ở đảo là Tết của tình quân - dân!”, anh xúc động chia sẻ.

Viết Hảo

“Với tôi, Trường Sa như là quê hương thứ 2!” - 3