Vụ 2 thuyền viên Việt Nam mất tích cùng tàu cá Đài Loan:

Vợ ngã quỵ từ khi nghe tin chồng mất tích nơi xứ người

(Dân trí) - Từ khi nhận thông tin chồng mất tích cùng chiếc tàu cá Hsiang Fu Chun của Đài Loan, chị Thơm hoàn toàn ngã quỵ. 4 ngày nay, chị nằm bẹp trên giường, con bé thứ 2 phải nghỉ học ở nhà trông đàn em dại...



Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1978, xóm Bắc Thịnh, Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) chật chội hơn khi nhiều người hàng xóm, anh em tập trung về để động viên, chia sẻ với gia đình. Chị Thơm nằm thiêp thiếp trên giường, thỉnh thoảng khóc nấc lên từng hồi. “Khổ, 3-4 ngày ni đã có hạt cơm nào vào bụng đâu. Chồng thì mất tích, một đàn con dại như thế…”, bà Hồ Thị Tung – một người hàng xóm chép miệng.

Chồng chị Thơm là anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1975), đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ tháng 1/2014. Anh Thuận được bố trí làm việc trên tàu Hsiang Fu Chun, công việc chủ yếu là câu mực. Cách đây 3-4 ngày, chị Thơm có nghe được thông tin về việc tàu câu mực Hsiang Fu Chun mất tích cùng thủy thủy đoàn nên đi dò hỏi.

Vợ ngã quỵ từ khi nghe tin chồng mất tích nơi xứ người

Anh Nguyễn Văn Thuận - người được xác định là đã mất tích cùng tàu đánh cá Hsiang Fu Chun của Đài Loan khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Nam Thái Bình Dương.

Cùng đi với anh Thuận còn anh Sơn ở cùng xóm. "Sơn sức khỏe yếu nên đi được mấy tháng thì phải về. Mự Thơm lên nhà Sơn hỏi thì Sơn xác nhận, tàu của chú Thuận đi có tên như bản tin phát trên ti vi. Phía công ty đưa chú Thuận đi xuất khẩu lao động cũng gọi điện về thông báo hiện con tàu mà chú Thuận đi bị mất liên lạc. Họ bảo gia đình bình tĩnh chờ đợi, có thông tin gì họ sẽ trông báo sau nhưng đến giờ cũng chưa thấy tin tức gì", bà Nguyễn Thị Tình – chị dâu anh Thuận cho biết.

Vợ chồng anh Thuận lấy nhau từ năm 2000, một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Khát khao có một đứa con trai nối dõi tông đường, vợ chồng anh sinh liền tù tì thêm 4 lần nữa, vẫn là con gái! Chị Thơm sinh hết đứa này đến đứa kia rồi ở nhà chăm con. 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào những bữa đánh cá bãi ngang của anh Thuận. Cứ sáng đi, tối về, hôm nào may thì đủ tiền đong gạo, hôm nào rủi thì phải bù thêm cả tiền dầu.

Chị Nguyễn Thị Thơm nằm bẹp trên giường từ khi hay tin chồng mất tích.
Chị Nguyễn Thị Thơm nằm bẹp trên giường từ khi hay tin chồng mất tích.

Nhà nghèo nên con bé đầu Nguyễn Thị Thân (SN 2001) chỉ được học đến lớp 6 rồi bỏ, ra Hà Nội đi trông em thuê cho người ta kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em dại. Đi biển, không có vốn, thuyền lại nhỏ nên bữa đực, bữa cái. Anh Thuận quyết đi xuất khẩu lao động mong đổi đời nhưng 2 lần trước toàn thất bại, về nước khi nợ chưa trả được đồng nào.

“Trước đây vợ chồng chú Thuận ở nhờ nhà mẹ chồng. Đến khi bà qua đời, để lại mảnh đất cho chú ấy. Cuối năm 2013, hai vợ chồng vay mượn cất được 2 gian nhà cấp 4 lợp pro xi măng này. Chú ấy bảo, lo cho mẹ con cái nhà che mưa che nắng mới yên tâm mà đi chuyến nữa. Ở cái vùng biển này, đất ruộng không có, vốn liếng cũng không, chỉ có nước đi xuất khẩu lao động may ra mới thoát được cảnh nghèo. Tiền vay làm nhà đã trả được đồng nào đâu mà giờ chú ấy…”, bà Tính kể tiếp câu chuyện về vợ chồng em trai.

Đầu năm 2014, anh Thuận được công ty môi giới đưa sang Đài Loan làm việc khi con bé út mới được 5 tháng. Theo hợp đồng ký kết giữa anh Nguyễn Văn Thuận và Công ty TNHH một thành viên Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (có địa chỉ tại đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) thì mức lương của anh Thuận là 500 USD/tháng, trừ 50 USD tiền tiêu vặt nên mỗi tháng chỉ thực nhận 450 USD. 3 tháng đầu, anh Thuận không gửi được đồng nào về. Từ tháng thứ 4 trở đi, mỗi tháng gửi về nhà được 8 triệu đồng. Số tiền chỉ đủ cho chị Thơm trả lãi các khoản vay và lo cho đàn con dại.

Qua hàng nước mắt, chị Thơm kể, vợ chồng chị chỉ có thể liên lạc được với nhau khi nào anh vào bờ. Tối 28 Tết anh Thuận gọi điện về, động viên vợ chăm lo cho các con. “Anh ấy bảo, 5 mẹ con cố gắng, tháng 4 này bố về hẳn thôi, bên này vất vả lắm. Anh nói anh sẽ về mà, răng giờ lại không có tin tức chi? Anh ơi, em chỉ cần anh về với mẹ con em, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Anh mà có mệnh hệ gì thì đàn con anh ai nuôi…”, chị Thơm òa khóc nức nở.

Các con anh Thuận còn quá nhỏ để hiểu nỗi lo sợ mà mẹ chúng đang trải qua
Các con anh Thuận còn quá nhỏ để hiểu nỗi lo sợ mà mẹ chúng đang trải qua.

Từ hôm hay tin chồng mất tích ngoài biển, chị Thơm như tàu lá héo đổ xuống giường, bếp núc cũng lạnh tanh. Đàn con lít nhít không ai chăm sóc, con bé Thương (SN 2002) phải nghỉ học ở nhà trông em. Con bé cắp đứa em út 15 tháng tuổi như mèo tha chuột, đôi mắt ầng ậc nước. Rồi nó òa khóc: “Bố cháu mà chết, cháu cũng phải nghỉ học như chị Thân”. Chẳng có ai trả lời nó ngoài tiếng sóng biển vỗ ì oạp và từng đợt gió thổi thông thống vào nhà.

“Vợ chồng chú ấy sinh nhiều con, lại nghèo quá, vẫn chưa có tiền mà nộp phạt nên chưa làm được thủ tục nhập hộ khẩu cho con bé Ngọc (con út của vợ chồng anh Thuận – PV). Giờ chú ấy mất tích trên biển, chưa biết sống chết như răng. Nhỡ chú ấy không về, mai này, mự ấy và bầy con lít nhít 5 đứa bấu víu vào ai mà sống tiếp”, ông Nguyễn Văn Hoàn – anh trai anh Thuận thở dài.

Bé Thương đứng trước nguy cơ phải bỏ học như chị gái nếu bố không trở về.

Bé Thương đứng trước nguy cơ phải bỏ học như chị gái nếu bố không trở về.

Tàu cá Hsiang Fu Chun của Đài Loan bị mất liên lạc vào ngày 26/2 khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Nam Thái Bình Dương. Tại thời điểm mất liên lạc, trên tàu có 49 thuyền viên gồm 2 người Việt Nam, 2 người Đài Loan, 11 người Trung Quốc, 21 người Indonesia, 13 người Philippines. 

Đây là loại tàu câu mực có tải trọng 700 tấn. Hiện, giới chức Đài Loan đang nỗ lực tìm chiếc tàu mất tích này nhưng vẫn chưa có kết quả. Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do khu vực xác định con tàu mất tích cách quá xa đất liền.


Hoàng Lam