Vợ liệt sĩ hạnh phúc trước sự giúp đỡ của bạn đọc báo Dân trí

(Dân trí) - Bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của chính quyền xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bao nhiêu, bạn đọc Báo Dân trí lại dành sự quan tâm, sẻ chia bấy nhiêu trước tình cảnh khốn đốn, bế tắc của bà Trương Thị Hòa, người vợ liệt sĩ trong bài viết “Nước mắt ngậm ngùi của vợ liệt sĩ trót tin vào lời hứa từ cán bộ xã”.

Nhiều tấm lòng san sẻ đến với bà quá bất ngờ khiến bà không cầm nổi cảm xúc.

"Vui quá mà quên đi bức xúc cháu ạ"

Chiều 14/7, PV Dân trí trở lại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh gặp lại bà Trương Thị Hòa, người vợ liệt sĩ khốn khổ mà Dân trí đã có nhiều bài phản ánh. Chỉ mới một tuần thôi, nhưng ngôi nhà xây còn ngổn ngang, trơ trọi của người vợ liệt sĩ đã không còn cảnh cửa đóng then cài, buồn lạnh. Nhiều người dân trong xóm đã đến sẻ chia, chúc mừng bà Hòa trước hiệu ứng tốt đẹp sau khi báo chí viết về hoàn cảnh của bà.


Bà Hòa nhận được nhiều lời động viên, quan tâm của dư luận, xóm làng và sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa.

Bà Hòa nhận được nhiều lời động viên, quan tâm của dư luận, xóm làng và sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa.

“Người dân bày tui (chúng tôi) mừng cho bà Hòa lắm. Mấy bữa ni cán bộ huyện, xã, rồi các tổ chức xã hội tìm đến bà bày tui rất mừng. Có khi bày tui nghĩ nợ nần, bế tắc, uất ức trước việc thất hứa của mấy ông cán bộ xã bà sẽ không sống được lâu nữa. Chừ thì mừng cho bà, mong khó khăn của bà nhanh chóng được trên giải quyết để bà sống vui những ngày cuối đời” – người phụ nữ hàng xóm bà trạc tuổi ngoài 50 đến chia sẻ với bà Hòa nói với chúng tôi.

Không còn trạng thái thất thểu, ốm yếu ngày chúng tôi gặp, khuôn mặt bà Hòa chiều nay phấn chấn, vui tươi hơn hẳn. Nụ cười cứ luôn thường trực trên khuôn mặt già nua, đầy nếp nhăn mà chính bà thừa nhận là mấy năm nay chưa bao giờ có được.

Bà cho biết, sau khi báo Dân trí lên tiếng về những tắc trách của cấp ủy, mặt trận, chính quyền xã Kỳ Phong, đẩy cuộc sống của bà rơi vào cảnh cơ cực, phải oằn lưng trả nợ suốt 3 năm qua, chính quyền xã, và UBND huyện Kỳ Anh đã vào cuộc.

“Chiều 11/7, sau khi báo đăng, một đoàn cán bộ của huyện và xã đã về tận nhà. Họ tặng quà động viên, rồi hứa tìm mọi cách giải quyết, chi trả nợ nần như đã hứa cho bác. Đến giờ chưa được nhưng như thế là bác cũng vui rồi”- bà Hòa nói.


Bà Hòa nở nụ cười tươi hạnh phúc.

Bà Hòa nở nụ cười tươi hạnh phúc.

Đặc biệt, bà Hòa dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới sự quan tâm, chia sẻ, động viên bà những ngày qua. “Đến giờ bác vẫn không thể tin được là dư luận, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã dành cho bác sự quan tâm, động viên, sẻ chia mấy ngày rồi. Bác nhận được quá nhiều tình cảm cháu à", người vợ liệt sĩ xúc động nói.

Dứt lời, người vợ liệt sĩ chỉ tay về số vật liệu nằm ngay trước sân, cho biết: “Số vật liệu này là của Công ty truyền tải điện Hà Tĩnh vừa mới chở vào để thi công mái che cho bác. Ngoài làm mái che, công ty cũng sẽ sơn nhà, đóng lại cửa và hỗ trợ bác một ít tiền để trả nợ”.


Vật liệu một công ty chuyển đến để hỗ trợ bà Hòa làm nhà.

Vật liệu một công ty chuyển đến để hỗ trợ bà Hòa làm nhà.

Bà Hòa thông tin thêm, ngoài công ty nói trên, nhiều cá nhân, đơn vị cũng đã tìm đến thăm, động viên và khảo sát nhà để hỗ trợ. “Bác vui lắm, vui mà quên đi bức xúc dồn nén bấy lâu nay”- bà Hòa cười tươi, xúc động.

Sẽ kỷ luật cán bộ liên quan nếu không tìm được bằng chứng có công ty hứa tài trợ

Sau khi thăm bà Hòa, PV đã tìm đến chính quyền xã Kỳ Phong, UBND huyện Kỳ Anh để tìm hiểu phương án chi tiền để bà Hòa trả nợ xây nhà vốn đã kéo dài suốt 3 năm.

Ông Võ Tiến Thạch, Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Anh, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận xã đã họp tìm phương án chi trả tiền cho bà Hòa.

Theo ông Thạch, việc chi tiền ngân sách hay huy động con em trên địa bàn để chi trả, hỗ trợ chi trả cho bà Hòa là rất khó, vì xã không có nguồn để bố trí, còn doanh nghiệp trên địa bàn không đáng kể.

“Xã đang tập trung yêu cầu ông Đặng Thế Long (cán bộ mặt trận đã nghỉ hưu) và anh Viên (Chánh văn phòng) tìm bằng được công văn nói Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ xây nhà cho các đối tượng có công. Nếu tìm được công văn này thì xã sẽ trực tiếp, hoặc thông qua kệnh của huyện có văn bản đề nghị tập đoàn hay công ty nào của tập đoàn này chi trả tiền như cam kết”- ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, trong trường hợp, hai vị cán bộ nói trên không tìm thấy công văn nào, kiểm tra tại huyện mà không có, thì chắc chắn Đảng ủy, UBND xã sẽ có các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí ai sai phải tự bỏ tiền để chi trả cho dân.

Quan điểm trên của ông Thạch cũng nhận được sự đồng tình của lãnh đạo phòng LĐ-TBXH Kỳ Anh. Thậm chí, tài liệu mà lãnh đạo Phòng LĐTB-XH Kỳ Anh cung cấp, đã có sự gian dối của cán bộ xã Kỳ Phong trong vấn đề này. Cụ thể, khi không tìm được nguồn chi trả cho không phải 1 mà là 3 trường hợp (trong đó có bà Hòa), cán bộ chính sách xã Kỳ Phong đã dối huyện, khai nhà xuống cấp, có nguy cơ sập để huyện Kỳ Anh đưa vào danh sách hỗ trợ sửa, xây nhà cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Văn Dũng – Tiến Hiệp