TPHCM:

Vợ chồng công chức phải nhờ... mẹ nuôi

(Dân trí) - Một công chức trẻ làm việc ở Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, chị vào cơ quan Nhà nước để sau này được ổn định. Thế nhưng, hiện nay, hai vợ chồng chị (đều làm công chức) phải nhờ mẹ chồng nuôi vì lương thấp.

Ngày 5/1, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng lãnh đạo các sở, ngành TP đã có cuộc đối thoại với các cán bộ, công chức trẻ của thành phố.

Tại đây, nhiều băn khoăn, trăn trở của cán bộ, công chức trẻ được phản ánh đến lãnh đạo thành phố, và vấn đề nóng nhất chính là thu nhập cho cán bộ.

Lãnh đạo UBND TPHCM trao đổi cùng cán bộ, công chức trẻ thành phố
Lãnh đạo UBND TPHCM trao đổi cùng cán bộ, công chức trẻ thành phố

Anh Bùi Anh Huấn (cán bộ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP) thẳng thắn phản ánh rằng mức lương cán bộ, công chức hiện nay đang bị cào bằng như nhau là không phù hợp. Người cán bộ trẻ cho rằng với cách trả lương như hiện nay sẽ không tạo được động lực và không giữ được chất xám trong cơ quan Nhà nước.

“Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho thành phố nâng lương cho cán bộ, công chức. Tôi đề nghị nghiên cứu trả lương theo nguyên tắc: vị trí làm việc, thâm niên và năng suất”, anh Huấn đề xuất.

Trong khi đó, chị Đào Thị Nga (công chức Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM) cho biết, khi vừa ra trường chị có mong muốn được làm việc trong môi trường ổn định nên xin vào làm ở cơ quan Nhà nước. Thế nhưng mức lương thấp và không đảm bảo cuộc sống.

“Định rằng chồng nuôi em nhưng chồng em cũng đang làm trong cơ quan Nhà nước nên mẹ chồng phải nuôi 2 bọn em”, chị Nga chia sẻ.

Trước trăn trở của cán bộ trẻ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, Chính phủ cũng khẳng định là lương không đủ sống. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là bộ máy quá lớn. Do đó, phải cải cách bộ máy thì lương mới cao hơn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các đơn vị sự nghiệp nâng cao tự chủ về tài chính
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các đơn vị sự nghiệp nâng cao tự chủ về tài chính

“Hình như chúng ta càng thực hiện tinh giản thì có hiện tượng bộ máy càng phình ra thêm. Chỉ cần tăng lương vài trăm ngàn đồng cho một cán bộ, công chức thì cả nước sẽ thêm vài chục ngàn tỉ đồng”, ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, việc cải cách bộ máy, tăng tiền lương cho cán bộ là câu chuyện của cả nước. Muốn giải bài toán lớn này thì cần có sự tính toán toàn diện của Chính phủ, nếu một mình thì thành phố không làm nổi.

“Nhiều người khi bạn bè, người yêu hỏi thì không dám trả lời là làm cán bộ, công chức ở quận, phường, xã... vì còn kèm theo nhiều định kiến. Còn ở Singapore thì người ta tự hào là cán bộ Nhà nước, vì thu nhập cao. Họ vào được là nhờ trình độ cao, giỏi”, ông Tuyến chia sẻ.

Song ông Tuyến cũng chia sẻ một tin vui, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố sẽ có đề án để nâng thu nhập cho cán bộ, công chức, trong đó có tăng lương cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách.

Dự kiến, lương sẽ được tăng theo lộ trình từng năm, trong năm 2018 tăng thêm 0,6 lần và đến năm 2020 tăng 1,8 lần so với hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các đơn vị sự nghiệp phát huy tính tự chủ về tài chính để nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, thực hành tiết kiệm cũng là cách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

“Năm 2017, chỉ riêng việc chuyển đổi gửi thư giấy sang thư điện tử cũng giúp Văn phòng UBND TP tiết kiệm 27 tỉ đồng. Đây là chi phí chi thường xuyên nên nguồn tiết kiệm này sẽ được dùng để đơn vị cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên”, ông Tuyến dẫn chứng.

Quốc Anh