Vĩnh Phúc thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn với phát triển bền vững

(Dân trí) - Với nhiều lợi thế sẵn có cùng chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc lại thực hiện thu hút đầu tư theo quy hoạch, có chọn lọc gắn với phát triển bền vững từ các thị trường truyền thống như Nhật bản, Hàn Quốc,…

Ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi các doanh nghiệp nước ngoài chưa có mặt hoặc đầu tư còn ít thì bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh chưa nổi bật. Vĩnh Phúc vài chục năm trước còn là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Trước thực trạng công nghiệp non trẻ, đất đai canh tác nhỏ hẹp, người dân chủ yếu bám đồng ruộng để mưu sinh, lao động trẻ phải phiêu bạt nhiều nơi để kiếm sống, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo; từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Tại các kỳ Đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996 - 2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ,...

Nhờ chính sách thông thoáng, chủ động tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn và uy tín tìm đến như: Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo...

Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD. Đến hết tháng 8/2018, tỉnh Vĩnh Phúc có 305 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD.

Các dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc tăng lên qua từng năm.
Các dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc tăng lên qua từng năm.

Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách trung ương. Năm 2009, thu ngân sách vượt mốc 10 ngàn tỷ đồng; năm 2014 đạt “mốc son” mới - vượt 20 ngàn tỷ đồng. Năm 2016, Vĩnh Phúc thu ngân sách đạt kỷ lục hơn 31 ngàn tỷ đồng.

Năm 2017, do xe ô tô nhập khẩu trong nước tăng nhưng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp tiêu thụ ở Vĩnh Phúc giảm tỉnh vẫn thu ngân sách đạt trên 25 ngàn tỷ đồng. Phần lớn khoản thu ngân sách các năm đều từ doanh nghiệp FDI.

Theo báo cáo của Ban Quản các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho 82.000 lao động; lao động phổ thông của doanh nghiệp FDI có thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Một số khu công nghiệp thu hút nhiều lao động như: Khai Quang với khoảng 40.000 lao động; Bá Thiện 1 và Bá Thiện 2 với 20.0000 lao động; Bình Xuyên 1 trên 10.000 lao động,…

Ông Đỗ Đình Việt - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, sở dĩ thu hút dòng vốn FDI thuận lợi và thành công là do tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc"; "Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Thu hút đầu tư là ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Phúc nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh đó là: “Các DN đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh”. Tuy nhiên, chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ.

Minh chứng rõ ràng nhất, đó là mới đây tỉnh đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông, Trung Quốc) đặt tại Khu công nghiệp Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ Dự án, mặc dù trước đó tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL đầu tư dự án may mặc tại khu công nghiệp này, với sản lượng hàng triệu quần, áo xuất khẩu mỗi năm và tạo việc làm hơn 2.200 lao động.

Được biết, Dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL (gồm các công đoạn tẩy - nhuộm - giặt mài), công suất gần 61 triệu mét vải/năm, diện tích đất sử dụng hơn 38ha. Khi đi vào hoạt động dự án sẽ sử dụng khối lượng hóa chất khoảng 17.000 tấn/năm và lượng nước thải trung bình gần 12.000m3/ngày đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây tại xã Thiện Kế đổ về sông Cà Lồ vào sông Cầu, trong khi theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào mùa khô dòng chảy tại điểm xả thải của Dự án tại sông Mây thời điểm thấp nhất tháng 2 chỉ đạt là 4.000m3/ngày đêm.

Để đảm bảo minh bạch, khách quan, trước khi khước từ dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL, Vĩnh Phúc đã tổ chức đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá dự án đầu tư nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường”, có sự tham gia của 13 chuyên gia kinh tế, môi trường; 12 đại diện các bộ, ngành TƯ; 3 đại diện UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu và vùng Thủ đô; đại diện các địa phương nơi dự kiến đặt Nhà máy.

Các khu, cụm công nghiệp mọc lên tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa huyện Bình Xuyên - Vĩnh Phúc.
Các khu, cụm công nghiệp mọc lên tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa huyện Bình Xuyên - Vĩnh Phúc.

Đa số các ý kiến cho rằng việc đặt Dự án ở đây là không phù hợp quy hoạch và Vĩnh Phúc cần kiên định thực hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận Dự án.

Có thể nói, việc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình thu hút đầu tư các địa phương cần tỉnh táo và đủ bản lĩnh để từ chối các dự án có rủi ro cao, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”, được một trước mắt nhưng về sau sẽ phải mất mười.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, những tháng còn lại của năm 2018, Ban tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện thu hút đầu tư theo quy hoạch, có chọn lọc gắn với phát triển bền vững từ các thị trường truyền thống: Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hướng tới các thị trường tiềm năng của các nước là thành viên tham gia FTA mới, TPP, AEC... Dự kiến hoàn thành kế hoạch thu hút đầu tư năm 2018, thu hút thêm 5 dự án FDI mới, vốn đăng ký đạt khoảng 100-120 triệu USD; thu hút thêm 4 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng. Đôn đốc tiến độ triển khai của các dự án, dự kiến có thêm khoảng 5 dự án DDI và 8 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 150 triệu USD, của các dự án DDI đạt khoảng 500 tỷ đồng.

PV