Viết thư nhắn vợ "còn sống, sẽ trở về" ngay sau ngày giải phóng miền Nam

(Dân trí) - “Bố tôi hỏi thằng Chinh viết thư về vào thời điểm nào. Tôi trả lời ngày 1/5. Bố tôi liền nói thế là nó còn sống!”, vợ ông Chinh bồi hồi nhớ lại thời điểm nhận thư chồng sau ngày giải phóng miền Nam.

Trong những ngày cuối tháng 4, chúng tôi được nghe cựu binh Đặng Viết Chinh (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) kể về những ngày tháng làm công tác trinh sát - một công việc thầm lặng, nguy hiểm và có ý nghĩa quan trọng đến “vận mệnh” của cuộc chiến thống nhất đất nước.

Cưới vợ 19 ngày là đi

Viết thư nhắn vợ còn sống, sẽ trở về ngay sau ngày giải phóng miền Nam - 1

Cựu binh Đặng Viết Chinh chia sẻ về những ngày tháng làm lính trinh sát

Ông Đặng Viết Chinh sinh năm 1949. Ngày 4/4/1970, ông cưới vợ là bà Đặng Thị Hợp, người cùng thôn.

19 ngày sau đám cưới, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra khốc liệt, ông gác lại hạnh phúc riêng, tạm biệt người vợ mới cưới để lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ.

“Lúc đó vợ tôi khóc nhiều lắm nhưng cũng không ngăn cản tôi. Vợ tôi biết Tổ quốc đang cần tôi. Tôi chỉ biết động viên, an ủi vợ hãy tin và chờ ngày tôi trở về”, ông Chinh nhớ lại.

Ông Chinh được bổ sung vào lữ đoàn 22B, Quân khu 4, thực hiện công tác huấn luyện tại xã Cẩm Lạc của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) 6 tháng.

Tháng 3/1971, ông cùng đồng đội được chuyển vào vùng cao nguyên Bô-lô-ven (Hạ Lào) để hoạt động. Một thời gian sau, ông được cử đi học sĩ quan trinh sát tại Sơn Tây (nay là Hà Nội).

Tháng 2/1974, ông được cử trở lại vùng Hạ Lào, bổ sung vào Trung đoàn 29B, Sư đoàn 470 và 559 để hoạt động trinh sát.

Một trong những kỷ niệm mà có lẽ ông không bao giờ quên trong cuộc đời làm lính trinh sát của mình. Đó là vào cuối năm 1971, ông Chinh làm tiểu đội trưởng đội trinh sát. Đội gồm có 3 anh em. Lúc ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ trinh sát ở vùng Hạ Lào thì bất ngờ chạm trán với lính trinh sát của địch.

“Lúc đó tôi chỉ phát hiện được một lính trinh sát của địch. Lúc ấy mình không tiêu diệt nó mà nó phát hiện thì nó cũng tiêu diệt mình. Tôi chỉ đạo 2 đồng đội bắn sang 2 bên để địch tưởng mình đông, mình mạnh, còn tôi nhắm thẳng tiêu diệt được tên địch và thu được súng”, ông Chinh hồi tưởng những ký ức chiến đấu.

Ông Chinh lý giải, làm nhiệm vụ trinh sát, việc giáp mặt với địch là hy hữu. “Làm trinh sát là phải tuyệt đối bí mật, bị lộ thì coi như thất bại và nguy hiểm cho đồng đội, cho quân của mình. Sau trận đó, anh em tôi được khen thưởng”, ông Chinh cười.

3 lần nhận tin hy sinh

Ông Chinh cho biết, đặc thù của nhiệm vụ trinh sát là phải tuyệt đối bí mật nên ông ít khi liên lạc về cho vợ cũng như người thân.

Viết thư nhắn vợ còn sống, sẽ trở về ngay sau ngày giải phóng miền Nam - 2

Cựu binh Đặng Viết Chinh bùi ngùi nhớ lại cái khoảnh khắc nghe tin miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất

Cũng vì tính chất bí mật mà ông Chinh đã 3 lần "bị đồn" là đã hy sinh.

“Cuối năm 1971, có một đồng đội tên Chinh hy sinh tại chiến trường nên ai cũng nghĩ là tôi rồi báo tin về cho gia đình. Rồi năm 1972 cũng thế, khi tôi trở về thì cả làng tới thăm vì ai cũng nghĩ tôi đã chết. Gần 4 năm làm trinh sát thì 3 lần bị đồn đã tử trận”, ông Chinh nhớ lại.

Vợ ông Chinh mỗi lần nghe tin chồng hy sinh là như chết đi sống lại.

“Họ đồn chồng tôi đã chết, rồi sau đó lại thấy thư của anh về. Mỗi lần như thế tôi như chết đi sống lại”, bà Đặng Thị Hợp vợ ông Chinh chia sẻ.

Theo ông Chinh, công việc của ông chủ yếu về đêm. Mọi hoạt động chủ yếu chỉ dựa vào bản đồ địa bàn để xác định đường đi cũng như vùng địch ở.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là xác định vị trí của địch, rồi dựa vào bản đồ để tìm ra con đường để tấn công địch một cách ngắn nhất, thuận lợi cho bộ đội của mình nhất”, ông Chinh nói.

Sau khi đã xác định được vị trí của địch, những người lính trinh sát dẫn chỉ huy đơn vị đi khảo sát lại một lần nữa rồi mới quyết định tấn công hay không.

Viết thư nhắn vợ còn sống, sẽ trở về ngay sau ngày giải phóng miền Nam - 3

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý

Đến ngày 10/3/1975, khi quân ta giải phóng được thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông được phân công chuyển về đây để bảo vệ chính quyền mới.

Ngày 30/4/1975, khoảnh khắc nghe tin xe tăng của ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Chinh lặng người.

“Khi nghe tin giải phóng được miền Nam, anh em, đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ ở Buôn Ma Thuột ôm nhau khóc, khóc vì hạnh phúc, vì đất nước đã giành được độc lập. Lúc đó tôi nghĩ đến người vợ của tôi ở nhà”, ông Chinh nhớ lại.

Ngay sáng hôm sau (1/5/1975) ông Chinh vội viết bức thư báo cho vợ và người thân ở quê nhà rằng mình còn sống và sẽ trở về.

“Bố tôi hỏi thằng Chinh viết thư về vào thời điểm nào. Tôi trả lời ngày 1/5. Bố tôi liền nói thế là nó còn sống!”, bà Hợp nhớ lại lúc nhận thư chồng và nói, đến khi đó bà mới dám tin chồng còn sống.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Chinh tiếp tục ở lại công tác và đến năm 1990 thì nghỉ hưu về quê hương sinh sống.

Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xuân Sinh