Việt Nam kêu gọi hợp tác ứng phó với đe dọa an ninh hàng hải

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã kêu gọi các nước Á - Phi cùng hợp tác để ứng phó với các thách thức ở các khu vực, trong đó có Biển Đông, như đe doạ đối với an ninh hàng hải, các hành động tôn tạo trái phép... làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Ngày 21/4/2015, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, đã diễn ra cuộc Toạ đàm cấp Bộ trưởng bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi với chủ đề “Chính sách, kinh nghiệm và thách thức trong quản lý biển và đại dương nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trưởng đoàn các nước Á-Phi có biển ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương tham gia sự kiện này.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại cuộc tọa đàm (Ảnh:

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại cuộc tọa đàm (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Biển và đại dương có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, đặc biệt là các nước ven biển và hải đảo. Chính vì vậy, một trong những Mục tiêu phát triển bền vững dự kiến được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 là Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các tài nguyên vì phát triển bền vững.

Tham gia thảo luận, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng các nước Á-Phi cần tích cực tham gia xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, trong đó có Mục tiêu về biển và đại dương, tăng cường hợp tác sử dụng bền vững các tài nguyên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải.

Nhằm bảo vệ biển và đại dương cho các thế hệ mai sau, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc kêu gọi các nước cùng hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức ở các khu vực, trong đó có Biển Đông, như đe doạ đối với an toàn và an ninh hàng hải, các hành động tôn tạo trái với luật pháp quốc tế, thay đổi hiện trạng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Các đại biểu nhất trí cho rằng để thực hiện Mục tiêu này cần quản lý hiệu quả các hoạt động đánh bắt, phòng chống ô nhiêm môi trường biển và tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các nước cũng nhấn mạnh cần cùng nhau xử lý tốt các thách thức như biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt bừa bãi, cướp biển, tranh chấp biển đảo.

Trong đó, Indonesia, Timor Leste, Morocco, Madagascar… nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là nền tảng cho hợp tác về biển, đại dương.

Philippines cho rằng các hoạt động tôn tạo đang gây hại nghiêm trọng cho các dải san hô và tài nguyên sinh vật biển, môi trường biển và đại dương.

PV