Việt Nam đã trang bị vũ khí hiện đại cho hải quân, không quân

(Dân trí) - “Việt Nam đã mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại cho hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và sắp tới là lục quân, đóng tàu cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân...”, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định.

 

Thượng tướng Lê Hữu Đức.
Thượng tướng Lê Hữu Đức.

 

Cuối buổi thảo luận sáng nay 3/11, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã báo cáo trước Quốc hội một số thông tin liên quan đến tình hình an ninh, quốc phòng hiện nay. Nhiều thông tin ông Đức nêu ra cơ bản giống với thông tin đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu ra tại buổi thảo luận tổ mới đây.

Thượng tướng Lê Hữu Đức cho biết, mặc dù kinh tế, ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, dành ngân sách đầu tư cho quốc phòng - an ninh nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội.

“Việt Nam đã mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại cho hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và sắp tới là lục quân, đóng tàu cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân...”- ông Đức nói.

Theo ông Đức, đề án xây dựng công trình chiến đấu, tăng năng lực phòng thủ ở biên giới, biển đảo đã và đang triển khai hiệu quả; khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. “Chúng ta đủ sức để bảo vệ Tổ quốc”- ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng thông tin về dự án xây dựng đường tuần tra biên giới, đến nay đã làm được gần 2.000 km và đã bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. Hiện Bộ Quốc phòng đang triển khai 32 khu kinh tế quốc phòng dọc biên giới, biển đảo, trong đó có 3 khu trên biển gồm Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa và Tây Nam Bộ.

Trong bài phát biểu của mình, Thượng tướng Lê Hữu Đức cho biết, thực hiện đề án sắp xếp lại doanh nghiệp trong quân đội, từ chỗ 300 doanh nghiệp đến nay chỉ còn 75 doanh nghiệp đầu mối của quân đội. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay sẽ biến chuyển thành đơn vị chiến đấu hiệu quả khi đất nước có chiến tranh. Ví dụ như Tổng công ty Bay hiện nay có 25 máy bay trực thăng hiện đại và khi có chiến tranh xảy ra sẽ trở thành hai trung đoàn không quân. Tổng công ty Đông Bắc dù chuyên về thực hiện xây dựng của Bộ Quốc phòng nhưng khi có chiến tranh sẽ trở thành sư đoàn công binh để phục vụ xây dựng đơn vị chiến đấu.

“Các doanh nghiệp quốc phòng này hiện nay sử dụng 187.000 lao động và đóng góp cho ngân sách mỗi năm hơn 2 tỉ USD”- ông Đức nói.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng còn cho biết, những năm qua quân đội đã bàn giao rất nhiều đất quốc phòng cho địa phương làm kinh tế. Cụ thể như chuyển hai trung đoàn không quân về Phú Yên và Bình Thuận để bàn giao cho Khánh Hòa hai sân bay là Cam Ranh và Nha Trang phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuyển sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) chuyên dùng cho quân sự thành sân bay dân dụng, dùng chung và đến nay đạt hiệu quả tốt.

Bộ Quốc phòng cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý để sắp tới Bộ Quốc phòng sẽ di dời ba trung đoàn không quân ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đi nơi khác nhằm giãn mật độ bay, đảm bảo an toàn cho máy bay dân dụng khi cất hạ cánh.

Thế Kha