Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp với dịch Corona?

(Dân trí) - Chiều tối 31/1, tại cuộc của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang triển khai các giải pháp phòng, chống mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO…

Cuộc họp chiều tối qua do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học; có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không?

Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp với dịch Corona? - 1
Cuộc họp chiều tối 31/1 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh nCoV diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thực tế, Việt Nam vẫn chưa công bố tình trạng khẩn cấp trong khi ngày hôm qua, 31/1, WHO chính thức tuyên bố dịch virus Corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Song đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp để chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc công bố tình trạng khẩn cấp khi cần thiết.

Cũng theo diễn biến thực tế, sáng 1/2, thêm một người Việt Nam là nhân viên lễ tân khách sạn ở Nha Trang, nơi 2 cha con bệnh nhân đến từ Vũ Hán lưu trú, đã được xác định nhiễm nCoV, đang được cách ly, điều trị. Với trường hợp này, số bệnh nhân được khẳng định tại Việt Nam hiện là 6 người, ngoài 2 cha con người Trung Quốc thì có 4 người Việt, trong đó 3 bệnh nhân được phát hiện những ngày trước đều trở về từ Vũ Hán trên cùng một chuyến bay trước Tết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về phòng chống dịch bệnh phân tích, việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…

Thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với một số loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. Ông Long thông tin, kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H1N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong thì Việt Nam cũng không công bố tình trạng khẩn cấp.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam nhận định, dịch bệnh nCoV đang diễn biến rất phức tạp. Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến. Theo ông Long, cũng cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết thêm, hiện Trung Quốc cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.

Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp với dịch Corona? - 2
Thực tế, WHO đã nhiều lần công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp) nên năng lực sản xuất của Việt Nam là “không có vấn đề”. Tuy nhiên do phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu kháng khuẩn, cho nên bên cạnh giải pháp đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,…

Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona; phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Về việc tại một số địa phương đã xảy ra các hiện tượng thu gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng cho việc phòng bệnh trong đó chủ yếu là khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số công việc.

Các thành viên Ban chỉ đạo và chuyên gia y tế nhận định, khuyến cáo sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh là chủ trương đúng đắn, các cấp các ngành và người dân cần nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, người dân nên hình thành thói quen sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng không chỉ để phòng chống dịch mà còn để giữ gìn sức khỏe.

Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế chuyên dụng ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, ví dụ như những người tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp với người bệnh, người nghi mắc bệnh… còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh để kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học trong trường hợp dịch lan rộng; Sở Y tế có trách nhiệm đánh giá tình hình dịch để có khuyến nghị với Sở GD&ĐT và lãnh đạo tỉnh.

Lập Tổ công tác của Thủ tướng về phòng, chống dịch

Thủ tướng vừa có Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 31/1/2020 thành lập Tổ công tác về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác có nhiệm vụ cập nhật thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch bệnh nCoV), hằng ngày báo cáo Thủ tướng; kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 06/CT-TTg; đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án phòng, chống dịch bệnh nCoV.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu công tác.

Tổ trưởng Tổ công tác sử dụng đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ giúp việc cho Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Phương Thảo