Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long?

(Dân trí) - Một bên là huyện miền núi được biết đến với nhiều tiềm năng, thế mạnh… nhưng vẫn khó khăn; một bên là đô thị đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng nguồn lực tự nhiên hạn hẹp. Từ thực tiễn này, tỉnh Quảng Ninh cho rằng đã đến lúc cần sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long.

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 1

Là một huyện miền núi giàu tiềm năng, diện tích rộng nhất tỉnh nhưng Hoành Bồ khó vẫn hoàn khó (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Huyện thừa tiềm năng nhưng không phát triển

Nằm trong vùng núi thuộc cánh cung Đông Triều chạy dài từ Tây sang Đông, huyện Hoành Bồ có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Quảng Ninh (trên 850 km2) và tiếp giáp với 3 thành phố lớn (Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí).

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Hoành Bồ còn có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường giao thông huyết mạch trên cả nước, có hệ thống bến thủy nội địa nằm bên sông Diễn Vọng, hai khu bến cửa sông Trới và có đường bờ biển giáp vịnh Cửa Lục dài 30 km với 5 bến cảng biển có thể tiếp nhận tàu 15.000 tấn, tiếp giáp với cảng nước sâu Cái Lân…

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 2

Cảnh quan hoang sơ và đẹp (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Về điều kiện đất đai, Hoành Bồ là huyện có diện tích đất lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất giàu tiềm năng với điều kiện, tính chất đất đai thổ nhưỡng rất đa dạng, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn hơn 70.000 ha, diện tích đất rừng hơn 66.000 ha, duy trì hơn 1.000 loài gen quí được bảo tồn và thảm thực vật phong phú.

Hoành Bồ còn có khu bảo tồn người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả); khu văn hoá tâm linh, di tích lịch sử, du lịch sinh thái (xã Đồng Sơn) với điểm dừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng…

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 3

Có rừng quốc gia (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tiềm năng, thế mạnh là như vậy nhưng suốt nhiều năm qua, Hoành Bồ vẫn loay hoay tìm lối thoát, đời sống người dân nhất là khu vực đồng bào các dân tộc sinh sống thuộc vùng sâu, vùng xa vẫn còn nghèo…Mặc dù chính quyền cùng người dân nơi đây đã nỗ lực phấn đấu... nhưng phát triển chưa tương xứng với những gì đang có, nhiều lĩnh vực cần được khai thác dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Thậm chí nhiều năm trước Hoành Bồ còn trở thành điểm nóng về tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép than, đất sét… Cơ quan chức năng đã từng phải vào cuộc, mạnh tay triệt phá mới cơ bản dẹp được vấn nạn này.

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 4

Thế nhưng phát triển không tương xứng, nhiều lĩnh vực bị bỏ ngỏ, thậm chí Hoành Bồ một thời từng là điểm "nóng" về vận chuyển, khai thác than, đất sét... trái phép.

Nguyên nhân của việc “bước chậm” này được tỉnh Quảng Ninh xác định là do Hoành Bồ vốn là một huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, kinh tế chưa có tích lũy, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như hiện nay.

Chưa kể, có nguồn lực lớn nhất là vị trí địa lý và đất đai nhưng khai thác chưa hiệu quả. Nguồn lực về cảnh quan, rừng tự nhiên rất độc đáo nhưng quản lý sử dụng chưa tốt. Văn hóa, tập quán bản địa phù hợp với phát triển bền vững nhưng hiệu quả vận dụng không đáng kể. Dân số và nguồn nhân lực, cơ cấu dân số không đồng đều, nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, tỷ lệ người sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu các ngành kinh tế… Còn nhiều xã khó khăn, dân trí lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người thấp…

Thành phố phát triển mạnh nhưng nguồn lực tự nhiên quá hạn hẹp

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 5

Trong khi đó TP Hạ Long lại đang đối mặt với những hạn chế, thách thức bởi kinh tế xã hội phát triển mạnh song nguồn lực tự nhiên đã tới hạn.

Trong khi đó, TP Hạ Long hiện là đô thị loại 1, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học… của tỉnh và đang là địa phương phát triển nhanh, mạnh, năng động nhất tỉnh. Thu ngân sách với qui mô lớn, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, ngày càng hoàn thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực.

Bên cạnh đó, TP Hạ Long còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Bắc, là nguồn động lực phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ và là đô thị dịch vụ du lịch quốc gia có tầm quốc tế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới như trên, thành phố này đang phải đối mặt với những hạn chế, thách thức bởi kinh tế xã hội phát triển mạnh song nguồn lực tự nhiên đã tới hạn. Tốc độ xây dựng hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa rất cao. Chưa kể dân số tăng nhanh, đặc biệt là dân số vãng lai dẫn đến việc giảm sút chất lượng đô thị trong khu vực nội thành, quá tải trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Thách thức còn đến từ việc hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp nhu cầu dịch vụ, môi trường sống của người dân Hạ Long đang trở nên chật chội, chưa đảm bảo được những chỉ tiêu về điều kiện sống, chỉ tiêu về dịch vụ văn hóa, nghỉ ngơi, khu vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi còn thiếu.

Vì sao Quảng Ninh quyết định sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long? - 6

Môi trường sống của người dân Hạ Long đang trở nên chật chội.

Nói chung đến nay, Hạ Long cơ bản không còn nhiều dư địa về không gian phát triển, quỹ đất khả dụng cho phát triển kinh tế xã hội đã gần hết. Chưa kể hiện nay còn cần hạn chế san đồi, lấp biển để bảo vệ môi trường, cảnh quan độc đáo cho đời sau.

Bên cạnh đó, Hạ Long hiện còn không có vùng đệm về hậu cẩn, vệ tinh đủ lớn. Thiếu quỹ đất cho những dự án mang tầm cỡ quốc gia và khu vực như: xây dựng các Khu công nghệ cao, Trung tâm Hội trợ triển lãm quốc gia, các khu vui chơi giải trí thể thao, văn hóa tầm cỡ quốc tế…Môi trường sống của người dân Hạ Long cũng đang trở nên chật chội, chưa đảm bảo được những chỉ tiêu về điều kiện sống, chỉ tiêu về dịch vụ văn hóa, nghỉ ngơi, khu vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi còn thiếu.

Từ thực tiễn trên, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đã đến lúc phải sáp nhập 2 địa phương trên. Ngày 2/10/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TU về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: “Thời kỳ trước tỉnh cũng đã từng có ý tưởng sáp nhập nhưng chỉ lấy mấy xã ở gần TP Hạ Long và cũng từng đưa ra bàn thảo nhưng không nhất trí được. Việc sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long là hợp lý, giúp tiếp cận khu đô thị gần sân bay Vân Đồn hơn, giải bài toán Hoành Bồ thì quỹ đất quá rộng trong khi Hạ Long thì không còn đất để đầu tư. Chưa kể, vùng động lực ở Hoành Bồ nằm ven sông Cửa Lục nên việc sáp nhập giúp mở rộng đô thị về phía đó là hợp lý”.

An Nhiên