1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vì sao không thể dự báo chính xác mưa đá?

Liên tục những trận mưa đá lớn trút xuống Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa… khiến không ít người dân âu lo về diễn biến sắp tới của hiện tượng thời tiết nguy hiểm này.

Vì sao không thể dự báo chính xác mưa đá?

Trận mưa đá khủng khiếp phá hỏng hàng nghìn ngôi nhà ở Mường Khương (Lào Cai) ngày 27/3 (Ảnh: Q.Hồng) 

 

Trong khi đó, cơ quan khí tượng thừa nhận: Khả năng báo hiện tại chưa cho phép việc dự báo mưa đá và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến cấp địa phương, mà chỉ dừng lại ở cấp khu vực.

 

Mưa đá sẽ còn tiếp tục đến hết tháng 5

 

Trao đổi với phóng viên chiều 2/4, PGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư (NCHMF) Lê Thanh Hải cho biết: “Từ tháng 3 cho đến hết tháng 5 hằng năm là thời điểm xảy ra nhiều cơn dông lớn, kèm theo đó là các hiện tượng mưa đá, tố lốc, vòi rồng, sét và mưa lớn cục bộ. Đây là hình thái thời tiết mang tính chu kỳ, trong giai đoạn xáo trộn thời tiết khi chuyển mùa từ mùa lạnh sang mùa nóng, từ xuân sang hè”.

 

Theo ông Hải, mưa đá là một trong các hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm diễn ra do sự xáo trộn của chuyển mùa, hoặc do yếu tố thiên văn (cuối tháng 3 chịu bức xạ mặt trời lớn do mặt trời đi qua đường xích đạo), hoặc do có đợt gió mùa đông bắc tràn về, có các dải hội tụ nhiệt đới phía nam di chuyển lên, cộng với một số trường hợp khí quyển trên cao có hội tụ gió mạnh.

 

“Sắp tới, các hiện tượng này có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào, trong đó tập trung ở vùng núi phía bắc. Hiện tượng mưa đá có khả năng lặp lại, tuy nhiên nguy cơ có trận mưa đá kỷ lục như tại Mường Khương - Lào Cai vừa qua là ít có khả năng xảy ra” - ông Hải nói.

 

Riêng tại Hà Nội, theo ông Lê Thanh Hải, xác suất xảy ra mưa đá là có nhưng không cao. Mỗi năm chỉ ghi nhận mưa đá tại Hà Nội xảy ra từ 1 - 2 lần. Hạt đá to bằng ngón chân cái thì 3 - 5 năm mới xảy ra ở Hà Nội, vì vậy người dân không nên quá lo lắng và hoang mang về hiện tượng này.

 

Về trận mưa đá kỷ lục ở Lào Cai vừa qua, ông Hải cho biết trong quá khứ đã có những đợt mưa đá to bằng cái chén, quả ổi, nhưng khu vực xảy ra mưa đá chỉ rơi vào sườn núi Hoàng Liên Sơn chứ chưa hề xảy ra ở nơi đông dân cư. “Hơn thế, hạt đá to bằng cái bát và ấm tích như vừa qua thì chưa từng xảy ra bao giờ trong quá khứ” - ông Hải nhấn mạnh.

 

Nhiều hạn chế đang “bó tay” ngành khí tượng

 

Liên quan đến khả năng dự báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, một chuyên gia lâu năm trong ngành khí tượng thừa nhận, hiện tại khả năng dự báo không thể đáp ứng chính xác các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ở cụ thể xã nào, huyện nào. Các bản tin chỉ ở mức độ cảnh báo trên diện rộng để người dân đề phòng.

 

“Kể cả trên thế giới, các hiện tượng thời tiết này cũng không thể dự báo chính xác ở từng địa phương, bởi rất khó để nghiên cứu các hiện tượng vật lý ở mức độ cục bộ địa phương, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đám mây trên không, nhiệt độ không khí, tương tác các dòng mây... Việc dự báo cụ thể là điều không thể!” - chuyên gia này cho biết.

 

Riêng tại VN, một trong những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng dự báo chính là hệ thống mạng lưới quan trắc quá thưa thớt. Theo chuyên gia này, các vùng núi cao, vùng sâu vùng xa thì mật độ các trạm quan trắc lại càng thưa, nếu có đặt trạm thì phải là trạm tự động, mật độ phải dày (5km/trạm) thì mới tăng khả năng dự báo chính xác hơn. Đây vẫn đang là điều “bó tay” đối với ngành khí tượng, bởi sẽ phát sinh thêm các vấn đề về quan trắc viên, việc bảo trì bảo dưỡng trạm bởi các trạm tự động rất hay hỏng hóc, mất cắp thiết bị, phải có người trông coi và ảnh hưởng đến biên chế của toàn ngành. Vì thế, các vùng sâu, vùng xa (theo chuyên gia này), hàng chục năm nay mật độ lưới trạm vẫn hầu như không tăng về số lượng, mặc dù đã rất nhiều lần ngành đề xuất tăng số lượng trạm.

 

Không ít lần, tại các hội nghị về ngành khí tượng thủy văn, cán bộ ngành đã nêu ra những khó khăn khiến công tác dự báo còn hạn chế. Bản thân những người làm lâu năm trong ngành khí tượng thừa nhận, trình độ của dự báo viên hiện tại còn quá non trẻ, khả năng dự báo theo đó chưa được nâng cao. Đào tạo ngành trong nước chưa đủ hoàn thiện để trang bị kiến thức tối ưu cho cán bộ, trong khi để được đầu tư học tập ở nước ngoài lại quá hiếm.

 

Ông Bùi Văn Đức - TGĐ TT Khí tượng thủy văn quốc gia - từng chia sẻ với báo chí, công tác dự báo của VN còn phải đầu tư nhiều và lâu dài. So với các nước tiên tiến trong khu vực, thiết bị của VN còn kém xa. Các nước đã sử dụng phổ biến hệ thống quan trắc và truyền tin tự động, trong khi VN còn rất hiếm. Xem ra, khó khăn mà ngành khí tượng thủy văn đang đối mặt vẫn còn quá nhiều, và để hoàn thiện hơn hệ thống dự báo, vẫn là câu chuyện cho một tương lai... xa!

 

Theo Dương Hà
 Lao Động