Vì sao không “khu biệt” giao thông với xe chở xăng dầu?

(Dân trí) - Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), xe chở xăng dầu thuộc nhóm phương tiện có nguy cơ rủi ro cao, nhưng điều kiện tham gia giao thông lại không “khu biệt”, bằng chứng là đã xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và kinh tế.

- Phóng viên: Vụ xe chở xăng gây tai nạn giao thông (TNGT) vừa xảy ra hôm 22/11 tại Bình Phước khiến 6 người thiệt mạng và 19 ngôi nhà bị thiêu rụi. Đến nay, cơ quan CSGT đã xử lý như thế nào, thưa Đại tá?

- Đại tá Đỗ Thanh Bình: Đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn về người và tài sản. Ngay khi xảy ra TNGT, lực lượng CSGT địa phương đã có mặt tại hiện trường để giải quyết tai nạn. Nguyên nhân gây tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Do vụ TNGT gây hậu quả quá lớn, có dấu hiệu phạm tội hình sự nên vụ việc đã được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết.

Vì sao không “khu biệt” giao thông với xe chở xăng dầu? - Ảnh 1.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT

- Theo thống kê của cơ quan CSGT, tình hình trật tự an toàn giao thông và TNGT liên quan đến xe bồn chở xăng dầu như thế nào, thưa Đại tá?

- Gần đây TNGT liên quan đến xe chở xăng dầu xảy ra không nhiều, nhưng tôi phải đặc biệt nhấn mạnh rằng đây là phương tiện có nguy cơ rủi ro rất cao khi tham gia giao thông và hậu quả TNGT do xe chở xăng là vô cùng lớn.

Trước vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng hôm 22/11 tại Bình Phước, đầu tháng 9/2018 một xe chở xăng lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng bị phát nổ. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng hậu quả về kinh tế là rất lớn, cầu Thủ Ngòi đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kết cấu, không đảm bảo an toàn lưu thông.

Để xử lý sự cố, trong gần 3 tháng qua, giao thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị ảnh hưởng rất lớn, tuyến cao tốc này phải tạm “đóng cửa” đoạn từ IC12 (Km114+100) đến IC14 (Km149+705), các phương tiện có tải trọng từ 10 tấn trở lên và xe container 20 feet trở lên phải lưu thông theo các nhánh đường tránh với cự ly xa hơn, đường xấu hơn, việc đi lại liên tục bị gián đoạn… Điều này tác động trực tiếp về kinh tế đối với các nhà vận tải và đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc.

- Như Đại tá vừa nói về nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn giao thông của xe chở xăng dầu là rất cao, vậy quy định tham gia giao thông đối với phương tiện này được “khu biệt” như thế nào, thưa Đại tá?

- Rõ ràng là mối nguy hiểm, rủi ro, chất cháy nổ rất cao, nhưng trên thực tế các quy định vẫn “cào bằng” điều kiện tham gia giao thông của xe chở xăng dầu giống như các phương tiện khác, quy định đối với xe chở xăng dầu giống như xe tải.

Vì sao không “khu biệt” giao thông với xe chở xăng dầu? - Ảnh 2.

Hiện trường vụ TNGT do xe chở xăng dầu ngày 22/11 khiến người chứng kiến rùng mình kinh sợ

Hiện nay, xe chở xăng dầu khi ra đường phải đảm bảo yêu cầu về an toàn giao thông và an toàn cháy nổ. Đối với phương tiện này, quy định về phòng cháy chặt chẽ, nhưng về giao thông thì không có riêng biệt.

- Đại tá có cho rằng quy định tham gia giao thông đối với xe chở xăng dầu hiện nay đang “lỏng” và cần có các chế tài, quy định siết “chặt” hơn?

- Tôi cho rằng quản lý Nhà nước cần phải siết chặt hơn đối với xe chở xăng dầu, hàng đặc biệt thì cần phải có yêu cầu đặc biệt.

Do xe chở xăng dầu có nguy cơ rủi ro cao nên khi tham gia giao thông cần phải có thông báo cụ thể với lực lượng CSGT về hành trình vận chuyển để có sự kiểm soát an toàn chặt chẽ hơn và CSGT sẽ hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết.

Ở nước ngoài, những loại hình vận tải được quản lý chặt chẽ nhất là chở người, chất dễ gây cháy nổ, trẻ em, hàng đặc biệt, các nước đặt điều kiện bắt buộc rất cao. Lí do là các nhóm phương tiện này có tính nguy hiểm cao hơn, cần sự giám sát và giúp đỡ nhiều hơn.

- Xin cảm ơn Đại tá!

Châu Như Quỳnh