Quảng Nam:

Vì sao dân tập trung phản đối dự án xây dựng nhà máy đốt rác?

(Dân trí) - Nhà máy đốt rác với công suất 240 tấn/ngày đêm vừa khởi công đã bị người dân tập trung phản đối, trong khi đó bãi chôn lấp rác thải ở gần đó đã gần đến thời hạn đóng cửa vì đã đầy. Vì sao người dân lại tập trung phản đối nhà máy đốt rác trong khi các thủ tục đã hoàn tất?

Dân sợ ô nhiễm nguồn nước?

Hơn 1 tuần qua, hàng chục người dân thôn Đại An (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) dựng lều trại túc trực ở khu đất đã được quy hoạch xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa để phản đối dự án này.

Dân phản đối nhà máy đốt rác

Người dân dựng lều để phản đối nhà máy đốt rác

Tại đây, người dân dựng lên lều trại, căng băng rôn với dòng chữ “Phản đối xây dựng nhà máy rác”. Thậm chí, họ còn mang cả đồ ăn, thức uống và tụ tập từ sáng sớm cho tới chiều tối nhằm ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng.

Người dân tập trung phản đối cho rằng họ lo sợ nguồn nước sẽ bị ô nhiễm khi nhà máy đốt rác này hoạt động. Người dân cho hay, đây là đầu nguồn nước, khi nhà máy đốt rác hoạt động sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước để phục vụ sinh hoạt cho hơn 200 hộ và tưới cho hàng chục ha lúa của thôn Đại An.

Bà Nguyễn Thị Dung – người dân ở thôn Đại An (xã Đại Nghĩa) nói: “Chúng tôi là dân, chỉ biết nhà máy này sẽ gây mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước nên phản đối. Khi nào nhà nước giải quyết, dân chấp nhận thì bọn tôi sẽ rút”.

Dân phản đối nhà máy đốt rác

Băng rôn được đựng lên để phản đối

Còn bà Nguyễn Thị Mai (thôn Đại An) cho hay, bà có nghe thông tin mỗi ngày nhà máy này thải ra 50m3 nước, chỗ này quá gần với dân nên người dân sẽ bị ảnh hưởng về nước sinh hoạt và nước tưới cho cánh đồng thôn Đại An. Bà lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và người dân nên bỏ công ăn việc làm để tập trung phản đối.

Trao đổi với chúng tôi, người dân cho hay, không những người dân đang sống ở thôn Đại An mà những người ở thôn đi làm ăn xa cũng gởi tiền về để “lo” cho bà con dựng lều phản đối nhà máy đốt rác này, số tiền gởi về lên đến hàng trăm triệu đồng.

Dân phản đối nhà máy đốt rác

Hàng chục người dân túc trực bên trong lều và chuẩn bị thực phẩm dự trữ

Theo tìm hiểu của PV, để người dân yên tâm về công nghệ đốt rác tại lò đốt này, trước khi khởi công dự án, chính quyền địa phương đã mời 5 hộ dân đi thực tế một số tỉnh phía Bắc có cùng công nghệ đốt rác như nhà máy này để cho dân hiểu.

Còn theo quan sát của PV, vị trí từ Quốc lộ 14B lên vị trí nhà máy đốt rác đi bằng xe máy mất 15-20 phút. Từ vị trí nhà máy này theo đường chim bay đến một số hộ dân gần nhất cách hơn 1km. Vị trí nhà máy này không phải là đầu nguồn của con suối nào…

Có người đứng sau xúi giục?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Thanh – Bí thư huyện Đại Lộc – cho biết, nhà máy đốt rác này khởi công ngày 25/7. Sau đó một tuần thì dân tụ tập phản đối. Đến ngày 6/8, huyện tạm dừng không thi công nữa để nghe ý kiến của một số hộ dân phản ảnh. Những hộ này yêu câu chính quyền cùng doanh nghiệp có cam kết không gây ô nhiễm môi trường.

Đến ngày 10/8, huyện tổ chức họp dân ở xã Đại Nghĩa để cùng cam kết giữa Sở TN-MT, doanh nghiệp, huyện Đại Lộc và cùng xã Đại Nghĩa nhưng người dân không đến dự.

Người dân phản đối xây dựng nhà máy đốt rác

Bí thư huyện Đại Lộc cho hay, về sự việc diễn ra, huyện cũng chỉ đạo kiên quyết, tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án này việc cần phải làm là UBND huyện theo dõi, chỉ đạo kiểm tra để thi công và tổ chức thực hiện đảm bảo môi trường tốt.

“Theo nguyện vọng của nhân dân thì ngay bây giờ, UBND huyện phải chỉ đạo doanh nghiệp và các ngành làm cam kết đảm bảo môi trường để nhân dân được yên tâm sinh sống. Đó là mong muốn của nhân dân cũng như của lãnh đạo huyện”, ông Nguyễn Công Thanh nói.

Bí thư huyện Đại Lộc cũng thông tin, huyện chỉ đạo Công an theo dõi 3 đối tượng huy động nhân dân lên tập trung phản đối, trong đó có một đối tượng có trang trại nuôi bò sát lò đốt rác. Khả năng là việc xây dựng lò đốt rác ảnh hưởng đến trang trại nuôi bò của người này.

Ông Thanh cho biết huyện vẫn lắng nghe nguyện vọng của những người này. Họ muốn doanh nghiệp cam kết không gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền vẫn tuân thủ việc này. Vài ngày nữa sẽ tổ chức đối thoại với dân để giải quyết vấn đề.

Về thông tin có đối tượng xúi giục dân, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Giới – Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, qua công tác nắm tình hình, lực lượng an ninh huyện phát hiện được 3 đối tượng, trong đó có một chủ trang trại bò nằm dưới chân dự án có hành vi xúi giục người dân tập trung đông người để buộc nhà đầu tư ngừng thi công lò đốt rác.

Đại tá Nguyễn Giới cho hay, qua làm việc ban đầu với những đối tượng này thì xác định động cơ của họ gắn với quyền lợi cá nhân. Họ sợ dự án sau này triển khai sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của mình nên muốn gây sức ép cho chính quyền và chủ đầu tư dự án dừng thi công để tiến hành đối thoại, thỏa thận với dân chứ chưa phát hiện mục đích chính trị nào khác.

Trước mắt, lực lượng công an cũng đã giải thích cho những người này biết hành vi xúi giục, tụ tập đông người như vậy là vi phạm pháp luật. Trong số 3 đối tượng có 1 đối tượng đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và hứa sẽ không tham gia vào những việc như vậy nữa. Vụ việc đang được tiếp tục xác minh theo quy định của pháp luật.

Về công nghệ của lò đốt rác, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam – chủ đầu tư nhà máy đốt rác cho biết, dự án sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 của Công ty máy xây dựng Vinabima Tiên Sơn. Tỉnh lựa chọn công nghệ này qua Hội đồng thẩm định.

Về hệ thống xử lý nước thải, ông Dũng cho biết mỗi ngày nhà máy vận hành 50m3/ngày đêm. Lượng nước này được vận hành tuần hoàn, không có nước thải ra bên ngoài. Về xỉ than mỗi ngày nhà máy thải ra khoảng 7-8%, trong đó xỉ than được phân loại và xử lý theo từng loại.

Công Bính