Vì sao cư dân lòng hồ thủy điện Thác Bà bị bỏ quên?

Báo Lao Động đã đăng liên tiếp 3 kỳ phóng sự “Tối đèn ở trái tim thủy điện Việt Nam” viết về thảm cảnh của nhiều hộ gia đình, nhiều thôn bản có bà con hy sinh quê quán, mồ mả, nhà cửa, vườn tược cho thủy điện Thác Bà được khai sinh (tổng số 53.000 người).

Trong khi thủy điện đầu tiên của Việt Nam phát điện đã gần nửa thế kỷ, mà đến năm 2012, bà con vẫn chịu cảnh đèn dầu.

 

Tiếp thu những gì Lao Động phản ánh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), UBND tỉnh Yên Bái, ngành điện địa phương đã có nhiều động thái giúp cho người dân nhiều thôn bản sớm thoát khỏi cảnh đèn dầu. Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Bùi Thế Hậu - Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Yên Bái.

 

Cần ít nhất 11 tỉ đồng cho Ngòi Ngần

 

Xin ông cho biết, qua khảo sát, việc đưa điện vào những thôn “đèn dầu” của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình sẽ ra sao?

 

Cuối năm 2011, đầu năm 2012, sau khi Chính phủ có chủ trương lập dự án cấp điện ở các thôn bản thì tỉnh đã chỉ đạo và giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Tôi làm trưởng ban quản lý dự án đó. Khi lập dự án thì Yên Bái có 175 thôn bản cấp bách phải được cấp điện, với mức đầu tư là 611 tỉ đồng. Trong đó nguyên xã Bảo Ái có 5 thôn.

 

Nhưng vừa rồi đi thực tế thì xã Bảo Ái xuất hiện thêm 3 thôn đã có điện rồi. Còn lại một thôn là Ngòi Kè hiện đã cấp điện cho một nửa số hộ. Chỉ còn 116 hộ dân thôn Ngòi Ngần chưa có điện.

 

Qua kiểm tra, riêng cấp điện cho các hộ đó thì trong dự án của chúng tôi là 11 tỉ đồng, với một đường dây trung áp với chiều dài hơn 6km; đường thì vô cùng khó khăn.

 

Khó khăn nào khiến bao nhiêu năm qua, người dân và dư luận bất bình, mà điện lực Yên Bái vẫn “bỏ quên” bà con trong tăm tối đèn dầu?

 

Dự án hơn 600 tỉ đồng đã phê duyệt được 1 năm. Chúng tôi cũng đã làm việc với các bộ. Dự án này cũng có cái khó là ngày xưa làm theo cơ chế: Giao cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 85%, còn lại 15% là của EVN. Nhưng riêng Yên Bái thì Chính phủ lại có cơ chế là giao cho UBND tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư, phải bỏ ra 15% vốn. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có vốn để triển khai.

 

Ở giai đoạn phân kỳ của dự án, chúng tôi ưu tiên cấp điện cho các hộ dân thuộc diện di dân vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà, đó là ưu tiên số 1; thứ nữa là ưu tiên những thôn nằm trong diện xây dựng nông thôn mới; Yên Bái có mười mấy xã là nằm trong diện ấy.

 

Trong hướng dẫn của Chính phủ là ưu tiên những thôn bản có suất đầu tư thấp. Tuy nhiên, riêng xã Bảo Ái là 11 tỉ đồng để mắc điện, chia cho 119 hộ ở Ngòi Ngần, tính ra mỗi hộ cũng phải là 100 triệu đồng rồi. Suất đầu tư như thế là cao, ngân sách của tỉnh rất hạn chế.

 

Thủy điện không trích phúc lợi cho dân: Vì sao?

 

Với những khó khăn như ông trình bày, có thể ước chừng: Bao giờ có điện cho bà con, họ chờ đợi đã nửa thế kỷ, họ hy sinh tất cả vì chính dòng điện này đã nửa thế kỷ (!?).

 

Sau khi có các bài phóng sự trên Lao Động, EVN yêu cầu Cty điện lực Yên Bái báo cáo, đặc biệt là điểm nóng xã Bảo Ái. Hôm trước, khi đi thực tế thì có thành phần của Sở Công Thương và Cty điện lực Yên Bái, họ đã kiểm tra thực tế.

 

Về cũng báo cáo đúng nội dung đó. Cái thôn ấy, cũng có thể là EVN sẽ bố trí đầu tư, còn dự án cấp điện cho các thôn bản mà hiện nay tỉnh là chủ đầu tư, nếu có vốn thì sẽ ưu tiên đầu tư ở Bảo Ái trước. Nhưng bây giờ, cơ bản phải phụ thuộc vào vốn.

 

Mới đây, riêng xã Bảo Ái, tổng dự án cả vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn của EVN đã đầu tư vào đó hơn 10 tỉ đồng rồi. Đầu tư cho xã Bảo Ái 5 trạm biến áp. Trong số 175 thôn bản thì riêng ở Bảo Ái còn thuận lợi hơn so với các xã vùng Trạm Tấu, Mù Căng Chải, họ khó khăn nhiều lần. Chỉ có điều, khu vực Bảo Ái là dân khu vực lòng hồ đặc trưng thôi.

 

Vậy Yên Bái có bao nhiêu cư dân lòng hồ thủy điện Thác Bà hiện vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia?

 

Riêng huyện Yên Bình còn hai xã: Bảo Ái còn 1 thôn rưỡi và Xuân Long còn 1 thôn. Thực ra, dân vùng lòng hồ khi di dân là nằm rải rác ở các xã. Tính ra có rất nhiều xã, nhưng cấp bách nhất là Bảo Ái và một phần của Xuân Long. Huyện Lục Yên còn hơn 20 thôn chưa có điện. Huyện Yên Bình có 7 thôn chưa có điện. Yên Bình và Lục Yên là hai huyện đón dân tái định cư lòng hồ thủy điện Thác Bà.

 

Vì sao Nhà máy thủy điện Thác Bà không trích phúc lợi ra giúp đỡ bà con hy sinh tất cả cho nhà máy ra đời?

 

Hôm trước chúng tôi làm việc với lãnh đạo nhà máy, anh Thắng (Phó Giám đốc) cho biết, từ ngày xưa đến thời các anh ấy chỉ quản lý và vận hành thôi. Riêng thủy điện Thác Bà phát lại dựa trên điều động của EVN. Việc phúc lợi cho dân thì có thể là do giai đoạn trước cũng bảo trích một phần cho dân, nhưng lại không có gì ràng buộc, nó khó ở chỗ ấy. Nếu có, thì trước khi đó chủ đầu tư đã có một cam kết là khi di dân, hằng năm sẽ trích ra bao nhiêu để có phần phúc lợi cho dân.

 

Cảm ơn ông!

 

Dự kiến, sẽ có điện trước 31/12/2012

 

Ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần - cho biết: Việc thi công kéo điện đến 3 thôn của Bảo Ái đang được gấp rút triển khai. Trong cuộc họp tại địa phương, do Chủ tịch UBND xã Đặng Thanh Hải chủ trì, bà con được thông báo: Sẽ có ít nhất 15 tỉ đồng đầu tư mắc điện lưới cho dân vùng lòng hồ ở Bảo Ái. Công trình hiện đang tiến hành đổ cột. Trạm hạ thế tại 3 thôn: Ngòi Nhầu, Vĩnh An, Ngòi Ngần đều đã lắp xong! Khi hoàn thành sẽ kéo điện cho cả Ngòi Kè, tức là 4 thôn được hưởng lợi. Đơn vị thiết kế thi công hứa sẽ đóng điện trước 31/12/2012.

 

Theo Doãn Hoàng
 Báo Lao Động