Vì sao bến xe Nước Ngầm “ế” khách?

(Dân trí) - Là bến xe tư nhân ở Hà Nội, hạ tầng khang trang, dịch vụ cũng được đánh giá là tốt, tuy nhiên bến xe Nước Ngầm lại đang rơi vào tình cảnh “ế” khách. Theo lãnh đạo bến xe này, nguyên nhân là do “lỗi” điều hành của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Khách quốc tế thích, khách trong nước chê!

Bến xe Nước Ngầm là bến xe xã hội hoá trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Ngành nước & Môi trường (WEDICO) có diện tích 10.300 m2. Năm 2006, Sở Giao thông vận tải Hà Nôi công bố công suất thiết kế của bến là 350 lượt xe/ngày. Đến tháng 3/2014, UBND Thành phố Hà Nội đã cho phép bến xe Nước Ngầm mở rộng lên tổng diện tích là 17.800m2, có thể phục vụ tối thiểu khoảng 800 lượt xe/ngày.

Hoạt động của bến xe Nước Ngầm trong nhiều năm qua được các cơ quan hữu quan, các đơn vị vận tải đánh giá là bến xe có nề nếp, trật tự, vệ sinh, là một trong những bến xe quản lý tốt hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã chọn Bến xe Nước ngầm là nơi xuất bến các chuyến xe khách quốc tế từ Hà Nội đi Lào và Trung Quốc.

Tuy vậy, việc bố trí các tuyến xe khách liên tỉnh về TP Hà Nội vào đón trả khách tại bến xe Nước Ngầm chưa đúng quy định của thành phố và chưa tương xứng với khả năng phục vụ của bến xe, gây lãng phí cho xã hội và nhà đầu tư.

Bến xe nước ngầm là bến xe xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội
Bến xe nước ngầm là bến xe xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm - cho biết: “Nguyên nhân chính là do cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành không thực hiện, cụ thể là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội không điều hành xe đúng theo các hướng ra vào thành phố. Lợi thế của bến xe này là nằm ở phía nam Hà Nội, thuận tiện cho các xe chạy tuyến phía nam. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, dù bến được đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt nhưng số xe xuất bến hàng ngày chỉ đạt 150-200 lượt, bến xe Nước Ngầm không đủ xe hoạt động”.

Theo ông Lập, trong những năm qua, bến xe Nước Ngầm đã nhiều lần đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quan tâm bố trí một số tuyến đón và trả khách tại bến theo đúng định hướng của UBND TP Hà Nội, nhưng đề nghị này chưa được giải quyết. Vì vậy, đến nay bến xe Nước Ngầm mới chỉ được phục vụ khoảng 25-30% công suất thiết kế, trong khi một số bến xe trên địa bàn thành phố đã và đang khai thác quá công suất thiết kế.

Sở điều đi, doanh nghiệp không chịu?

Trước những kiến nghị của bến xe Nước Ngầm, tháng 7/2013, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải về phương án rà soát, sắp xếp điều chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe trên địa bàn thành phố. Cuối năm 2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Thế Thảo - đã giao Sở Giao thông Vận tải căn cứ vào khả năng đáp ứng của bến xe Nước Ngầm, xem xét, điều chuyển một số tuyến vận tải khách tại các bến xe có lưu lượng hành khách lớn và các tuyến vận tải hành khách mới tăng thêm về bến xe Nước Ngầm.

Hôm 19/3 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã mời lãnh đạo các Sở Giao thông Vận tải, các Hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh thuộc các tỉnh phía Nam (Hà Tĩnh trở ra) có xe hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đến Sở họp nhằm “tháo gỡ khó khăn của Bến xe Nước Ngầm”. Cuộc họp diễn ra, nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp vận tải không đồng ý rời bỏ những bến đang khai thác để về bến xe Nước Ngầm, vì theo họ việc này sẽ gây xáo trộn hoạt động kinh doanh, khó khăn việc đi lại của hành khách.

Đại diện cho đơn vị trực tiếp điều hành luồng tuyến bến xe khách, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội - cho hay, sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố năm 2013, đơn vị này đã dự kiến điều chuyển 525 phương tiện thuộc 59 doanh nghiệp trên các tuyến đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... từ bến Mỹ Đình về các bến khác trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp sự phản ứng của địa phương, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Linh, quan điểm của Sở là tháo gỡ khó khăn cho bến xe Nước Ngầm song việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp vận tải. Trước mắt, Sở sẽ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải mới đón khách phía Tây và Tây nam phải hoạt động tại bến xe Nước Ngầm và Yên Nghĩa, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang dự thảo quy hoạch mạng lưới tuyến xe khách, sau khi được phê duyệt sẽ công bố công khai để các doanh nghiệp vận tải tính toán, tham gia hành trình.

Không đồng tình với các giải quyết của Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho rằng: “Các doanh nghiệp vận tải không chịu thay đổi luồng tuyến cũng là do Sở GTVT Hà Nội đã nhiều năm nay không thực hiện nghiêm chỉnh việc sắp xếp tuyến vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của chính Sở này và UBND thành phố. Đây cũng là khó khăn cho bất cứ doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng bến xe theo hình thức xã hội hóa”.

Được biết, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm vừa tiếp tục có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị quan tâm, chỉ đạo để một bến xe đầu tư theo hình thức xã hội hoá đầu tiên trên địa bàn Hà Nội có thể phát triển ổn định.

Châu Như Quỳnh