Sóc Trăng:

Về nơi khởi nguồn bài hát “Du kích Long Phú” bất hủ

(Dân trí) - Với người dân Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), bài hát “Du kích Long Phú” đã trở thành một ca khúc bất hủ, là niềm tự hào về vùng đất và con người kiên trung trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.

Cù Lao Dung là huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, nằm giữa dòng sông Hậu thơ mộng, với hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất.

Chiến thắng Rạch Già ở An Thạnh Nhì gắn liền với chiến công oanh liệt của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sơn Ton và bài hát “Du kích Long Phú” bất hủ của cố nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, đã đi vào lòng nhân dân Việt Nam như một biểu tượng tuyệt vời về phong trào chiến tranh du kích.

Về nơi khởi nguồn bài hát “Du kích Long Phú” bất hủ - 1

Cựu du kích Phạm Văn Mười rất tự hào về vùng đất quê hương.

Ông Phạm Văn Mười (80 tuổi, cựu du kích Long Phú, hiện sinh sống tại xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung) cho biết: “Lúc đó, Cù Lao Dung thuộc huyện Long Phú, có xã An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì. Đội du kích Long Phú ra đời vào những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược (1946) là những người con của Cù Lao Dung với tinh thần chiến đấu ngoan cường để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ Đảng, giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Tôi lúc đó chỉ mới là cậu bé 7-8 tuổi nhưng đã được biết, được nghe rất nhiều về du kích Long Phú. Vì vậy tôi ước mơ lớn lên sẽ tham gia du kích Long Phú và ước mơ đó đã thành hiện thực khi mình được trở thành thành viên của đội du kích nổi tiếng quê hương. Lúc đó đang là cuộc kháng chiến chống Mỹ và chúng tôi học, hiểu rất rõ về truyền thống của đơn vị mình”.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Huyện ủy, quân dân Long Phú đã chính thức bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh.

Ban cán sự Huyện ủy Long Phú xác định, vấn đề quan trọng và lớn lao của cuộc kháng chiến lúc này là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, bởi vì tại Long Phú thực dân Pháp chỉ mới khống chế được vùng đất liền, còn vùng cù lao lúc này vẫn là vùng tự do của ta, cho nên cần khẩn trương phát triển lực lượng vũ trang để chống càn quét, bố ráp vào vùng cù lao và diệt tề điệp vào thăm dò phá hoại công cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Mở đầu cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp trên địa bàn huyện Long Phú ở thời kỳ này là những hoạt động táo bạo của lực lượng dân quân du kích, trong đó nổi bật là các trận đánh trừng trị những tên cam tâm làm tay sai cho giặc, bắn giết đồng bào. Những trận đánh tiêu biểu như vụ trừng trị tên Đốc Giỏi, Giáo Tô, Đốc Lũy, Lương Đình Giáp,… tất cả những vụ trừng trị này, du kích ta đều nhân danh tòa án cách mạng, tuyên án tử hình tại chỗ bởi những hành động phản dân hại nước của chúng.

Những hoạt động táo bạo và những vụ trừng trị thích đáng bọn tay sai này đã gây một tiếng vang lớn trong quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng hả lòng hả dạ, tin tưởng ở cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, còn bọn tay sai cho Pháp cũng chùn tay và lo lắng cho số phận của chúng.

Cuối năm 1946, đội du kích tập trung lần đầu tiên của Long Phú ra đời. Đội du kích được hình thành gồm một số cán bộ ở các cơ quan huyện và tuyển chọn thêm số con em những gia đình có truyền thống cách mạng. Lúc thành lập, đội du kích có khoảng trên dưới 30 chiến sĩ.

Đầu năm 1947, khi ra đời chưa được bao lâu, đội du kích Long Phú đã chặn đánh quân Pháp khi chúng mò sang vùng cù lao lùng sục, đặc biệt là những trận phục kích ở Rạch Già. Những thắng lợi của đội du kích Long Phú đã tạo một niềm tin ở quần chúng ở khả năng chiến đấu để bảo vệ quê hương của mình. Hoạt động chủ yếu của đội du kích Long Phú là giữ vững mối liên lạc giữa khu 8 và khu 9, đưa đón cán bộ và chiến sĩ Vệ quốc đoàn trên đường dây liên lạc giữa vùng kháng chiến và vùng địch hậu, chiến đấu bảo vệ đồng bào, bảo vệ thôn ấp và mùa màng của nhân dân.

Bấy giờ, trong số những chiến sĩ dũng cảm của đội du kích Long Phú lừng danh, nổi bật lên tên tuổi của Sơn Ton, người du kích quả cảm dân tộc Khmer.

Về nơi khởi nguồn bài hát “Du kích Long Phú” bất hủ - 2

Vùng đất Cù Lao Dung ngày nay.

Theo hồ sơ, sau cuộc mít tinh mừng sinh nhật lần thứ 57 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1947) tại Nhà thông tin, sáng hôm sau, các cán bộ trong Ban chỉ huy và một số chiến sĩ đội du kích được phân công đi công tác, chỉ còn lại tiểu đội tự vệ chiến đấu khoảng 10 người đang nghe triển khai tình hình giữa ta và địch, cùng một số nhiệm vụ cấp bách sắp tới, thì nghe tiếng mõ báo động từ ngoài vàm Rạch Già. Biết là địch đổ quân càn quét, ngay lập tức ông Ba Tâm (phụ trách tiểu đội tự vệ) triển khai đội hình chiến đấu, với trang bị lúc đó chỉ có 5 khẩu súng và một trái mìn do chiến sĩ Châu Văn Tỷ tự chế, còn lại là dùng dao mác và gậy gộc.

Biết thế nào địch cũng mò vào để đốt phá Nhà thông tin nên Ba Tâm phân công Châu Văn Tỷ đặt trái mìn tự chế trong Nhà thông tin và ngụy trang cẩn thận, số chiến sĩ còn lại triển khai ra bờ đê Rạch Già phục kích. Đúng như dự đoán, bọn chúng càn vào khoảng 50 tên, tốp đi đầu vào Nhà thông tin đập phá và bứt các khẩu hiệu, băng cờ mít tinh, số còn lại cảnh giới bên ngoài, ngay lập tức chiến sĩ Châu Văn Tỷ nấp gần đó giật mìn nổ làm chết tại chỗ 4 tên.

Bị đánh bất ngờ, bọn lính bên ngoài hốt hoảng vừa chạy vừa bắn loạn xạ, các chiến sĩ tự vệ xung phong lên truy kích, bọn chúng rút ra ngoài vàm Rạch Già rồi lên tàu tháo chạy thoát thân. Trận đánh gây tiếng vang lớn, làm cho uy thế của lực lượng tự vệ chiến đấu ngày càng cao, nhân dân tin tưởng, còn bọn giặc thì run sợ mỗi khi càn quét vào xứ cù lao này.

Khoảng cuối tháng 9/1948, nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, được tin báo của quần chúng là bọn Pháp sẽ tổ chức một cuộc càn lớn để đánh vào căn cứ quân sự của ta đang đóng tại Rạch Già. Được sự đồng ý của Ban cán sự Huyện ủy, ông Đoàn Thế Trung chỉ đạo Trung đội địa phương quân kết hợp với lực lượng du kích xã An Thạnh Nhì, chiến sĩ Sơn Ton cùng đồng đội đốn bần xóc cừ dưới lòng sông Rạch Già và bố trí thủy lôi tại đây, đồng thời triển khai đội hình phục kích chúng.

Sáng hôm sau, 3 chiếc tàu chiến của Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, từ Đại Ngãi càn qua vùng cù lao, chúng bắn vu vơ từ ngoài bờ sông Hậu, rồi rẽ vào vàm Rạch Già, tàu của bọn chúng ung dung tiến vào trong rạch. Khi chiếc tàu đi đầu chạm bãi cọc bần dưới lòng sông thì chiến sĩ Sơn Ton cho nổ thủy lôi, đồng thời các chiến sĩ du kích được bố trí trên bờ Rạch Già bắn quyết liệt vào đội hình tàu của địch.

Bị tấn công quá bất ngờ, 2 chiếc tàu đi sau bắn trả rất quyết liệt vào đội hình của ta, để kéo chiếc đi đầu cùng rút lui ra ngoài vàm Rạch Già và chạy về Đại Ngãi. Kết thúc trận phục kích thắng lợi, về phía ta bị thương nhẹ 2 chiến sĩ, bọn chúng chết tại chỗ 3 tên Pháp và 7 tên lính ngụy, bị thương trên 10 tên.

Về nơi khởi nguồn bài hát “Du kích Long Phú” bất hủ - 3

Bia chiến thắng Rạch Già.

Trong một lần được cử về Sóc Trăng và đến các xã Cù Lao Dung (lúc đó là huyện Long Phú) công tác, nghệ sĩ Quốc Hương được nghe nhân dân kể lại và chứng kiến những chiến công của Đội du kích Long Phú, nhất là những thành tích gan dạ, dũng cảm của người đội viên du kích Sơn Ton. Chỉ sau một đêm, nghệ sĩ Quốc Hương đã sáng tác xong bài hát “Du kích Long Phú” và chính ông đã hát tặng ngay cho đồng bào Long Phú, ngay lập tức được người dân đón nhận nồng nhiệt. Cũng từ đó, bài hát “Du kích Long Phú” trở thành hồi kèn tiến quân, làm tăng thêm uy danh của đội quân du kích Long Phú.

Cho đến nay, không riêng gì nhân dân các xã vùng Cù Lao Dung - Long Phú, nhân dân tỉnh Sóc Trăng, mà đến người dân cả nước đã nghe và quen thuộc giai điệu, lời bài hát “Du kích Long Phú” với tiếng hát hùng tráng của cố nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương.

Ai về Cù Lao Dung

Nhớ ghé viếng Rạch Già

Nhớ về An Thạnh Nhất

Hỏi Tây chết mấy thằng

Lời bài hát ấy đã chứng minh cho vùng đất Cù Lao Dung với những con người hiếu khách, nhưng cũng cần cù trong lao động và dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Qua 2 cuộc kháng chiến, người dân Cù Lao Dung luôn nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất với quân thù.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì là căn cứ địa của Tỉnh ủy, của Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Sóc Trăng, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân vùng Cù Lao Dung cũng từng đùm bọc và nuôi chứa cho biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất.

Vùng đất này đã sản sinh những người con ưu tú, kiên trung với cách mạng, như: Anh hùng lực lượng vũ trang Sơn Ton lừng danh với chiến thắng Rạch Già; nơi có đền thờ Bác Hồ, có Liệt sĩ Đoàn Văn Tố, anh hùng Phùng Lục Sinh, Trần Hiền Quang,… và biết bao tấm gương của cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng cù lao sông nước này đã xả thân, đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khu di tích chiến thắng Rạch Già được đầu tư xây dựng năm 2000, trên mặt bằng rộng 459m2, thuộc ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung), là nơi ghi dấu những chiến công của du kích Long Phú.

Ở đó có tấm bia có hình tượng lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc vươn lên cao, trước mặt bia có hình tượng một trang sách được mở ra, một bên chạm khắc nội dung bài hát “Du kích Long Phú” của cố nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, một bên khắc những dòng chữ nói về sự kiện chiến thắng Rạch Già.

Cao Xuân Lương