1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vất vả những "chồi non" xóm nổi Hà Thành

(Dân trí) - Cả xóm chỉ có 9 đứa trẻ, đứa nào cũng phải theo cha mẹ kiếm sống từ bé. Ước mơ đến trường thật giản dị nhưng cũng thật xa vời với chúng, bởi cuộc mưu sinh trên lênh đênh sóng nước chưa một ngày nhàn rỗi.

Nằm không xa khu phố cổ Hà Nội, ven con sông Hồng đỏ màu phù sa, có một xóm thuyền với hơn chục mái lều lênh đênh trên bãi Phúc Xá…

Mưu sinh... đủ các kiểu

Đi hết ngõ 5 Phúc Xá (Long Biên), qua dãy nhà tôn lụp xụp, ẩm thấp, rồi qua mấy cái mương ri rỉ nước, qua tiếp những bãi rác bốc mùi hôi thối, là hơn chục mái lều thuyền nằm khuất sau bãi rác thải của chợ Phúc Xá.
 
Xóm thuyền này có gần hai mươi “nhà” được cất từ những thùng phuy sắt, tre nứa, ghép thêm vài tấm ván, xốp.
 
Người ở đây có tới 90% là dân nhập cư, chủ yếu là các tỉnh quanh Hà Nội như: Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá. Cuộc sống chật vật nơi đất khách thành đô, theo họ dẫu sao thì cũng còn dễ sống hơn ở quê.
 
Hầu hết những gia đình ở xóm nổi này đều làm thuê, làm mướn, hay đi gom nhặt rác thải, phế liệu về bán. Những đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ đã phải theo “thân cò, thân vạc” lặn lội mưu sinh khắp các triền sông, các bãi rác trên các con phố cổ Hà Thành.
 
Vất vả những "chồi non" xóm nổi Hà Thành - 1

Xóm nổi bên bãi Phúc Xá
 
Vất vả mưu sinh, bậc làm cha mẹ không có thời gian để chăm sóc con cái. Những liều thuốc tiêm phòng của trẻ được đổi bằng nắng, gió, sông nước và cả những tháng ngày lang thang mưu sinh trên các tuyến đường Hà Nội.
 
Bãi Phúc Xá đang là điểm “nóng” nhất Hà Nội về các tệ nạn xã hội: Cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, mại dâm…
 
Thiếu đi sự chăm sóc chu đáo của bố mẹ, những đứa trẻ nơi đây phải tự mình học cách mà sống, mà tồn tại trong môi trường đầy nghiệt ngã này.
 
Lớn lên cùng nỗi lo cơm áo của gia đình, bài học đầu đời của trẻ em xóm nổi Phúc Xá không phải những bài đánh vần trên lớp mà là những buổi tập bơi, tập lặn, tập quăng chài, thả lưới, kiếm ve chai.
 
Ngày ngày, cứ mỗi khi sáng dậy lũ trẻ con các gia đình nơi đây lại toả đi mọi ngả đường. Đứa thì theo cha mẹ bắt cá, mò cua; đứa lục lọi tìm kiếm phế phẩm, đứa đánh giầy, đứa lại rong ruổi khắp các con phố “hành nghề” ăn xin. Bố mẹ chúng coi đây là chuyện bình thường.
 
Chị Thanh (quê ở Quỳnh Lưu - Nghệ An) ra ở xóm thuyền này đã hơn chục năm. Chồng chị là người Hưng Yên, bị tàn phế do nhiễm chất độc da cam từ thời đi bộ đội. Duyên số đưa chị đến với anh trong lần chỉa bắp.
 
Thế rồi từ đó một tay chăm chồng, một tay chị lo lót cho con cái ăn cái mặc. Được vài năm hạnh phúc, gia đình nhà chồng xảy ra tranh chấp. Không chịu sự công kích của họ hàng, chị lại “bế chồng, bồng con” lên thuyền xuôi sông nước đi tìm miền đất hứa cho gia đình.
 
Vất vả những "chồi non" xóm nổi Hà Thành - 2

Những đứa trẻ nơi đây thường phải lang thang để kiếm thêm thu nhập cho gia đình
 
Đến nay đã hơn 10 năm, bến đỗ được gia đình chị dừng chân là xóm thuyền ngay dưới chân cầu Long Biên. Do có sức vóc, chị đã cam chịu cuộc sống khắc khổ làm thuê bốc vác cho bà con khu chợ hoa quả, khi thì làm chài lưới, khi đi nhặt ve chai… để lo cho gia đình đến bây giờ.
 
Anh chị có 3 đứa con, đứa bé nhất năm nay mới hơn 3 tuổi nhưng chị đã phải cho nó đi… ăn xin để đỡ gánh nặng cơm áo cho gia đình.

Những "chồi non" cần được giúp đỡ!

Những đứa trẻ gồng gánh theo nghiệp mưu sinh của cha mẹ không có được cơ hội đến trường. Đứa may mắn không phải kiếm tiền thì cũng chỉ suốt ngày thui lủi trong “căn nhà”, ngày ngày ngóng đợi tiếng còi những chuyến tàu qua...
 
Ước mơ đến trường thật giản dị nhưng cũng thật xa vời với chúng bởi cuộc mưu sinh trên sóng nước chưa một ngày nhàn rỗi.
 
Vất vả những "chồi non" xóm nổi Hà Thành - 3
Cuộc sống thường ngày của trẻ xóm thuyền
 
Hầu hết các em không được đi học đúng độ tuổi. Thu 13 tuổi nhưng mới học lớp 3, còn Mạnh và Hà 9 tuổi đang học lớp 1. Lớp học của chúng cũng không phải lớp học theo đúng nghĩa. Đó là các lớp học tình thương do các sinh viên tình nguyện mở, dạy các em 3 buổi trong tuần.
 
Chuyện học trên thuyền cũng chẳng dễ dàng gì. Ngôi nhà thuyền nào cũng chật hẹp, số học sinh không đông nhưng cũng đủ làm chật cứng mỗi ngôi nhà, thì lấy đâu ra chỗ cho các “cô giáo”, rồi chỗ kê bảng…
 
Có một người đàn ông “Thổ” trên bãi mà nếu không có ông rất nhiều đội tình nguyện đã không thể mở cánh cửa thông vào thế giới của những cư dân nước đen phường Phúc Xá. Nếu không có ông, chúng ta cũng chưa chắc đã có các lớp học Mái ấm dành cho trẻ em nghèo nơi đây.
 
Ông là Nguyễn Văn Thành (tức Quách Văn Mậu). Cách đây 3 năm, khi chương trình lập lớp học cho trẻ em xóm bãi đang thành hình, các tình nguyện viên xuống bãi rất đông và thường tụ họp trên thuyền của ông. Ông “hiến kế” cho các nhóm sinh viên chia nhỏ các em trong xóm theo các độ tuổi và theo “trình độ” của mỗi đứa.
 
Lâu dần, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh những chiếc áo xanh xuống bãi dạy học cho bọn trẻ. Hiện tại, trẻ em xóm thuyền đã được Trường Mái ấm 19 - 5 và trường Ngô Văn Sở tạo điều kiện cho các em tham gia học tập.
 
Nhưng nỗi lo cơm áo khiến việc học của chúng cũng buổi được, buổi mất. Rất nhiều em phải bỏ dở giữa chừng, hiện tượng tái mù chữ vẫn dai dẳng đeo bám cuộc đời những đứa trẻ xóm chài.
 
Chị Nguyễn Ngọc Hoa, quê Hưng Yên, cho biết, hai vợ chồng chị làm cật lực cả tháng, ba đứa con vẫn còn bữa đói bữa no thì lấy tiền đâu cho chúng theo học ở đây, lại còn chuyện hộ khẩu nữa.
 
Cháu Nguyễn Thị Thuỷ, 12 tuổi, nói với chúng tôi: “Cháu thích đi học nhưng mẹ cháu bảo là nhà không có tiền. Ngày nào không đi lượm phế thải thì cháu phải ở nhà trông em và nấu cơm”.

Ước mơ đến trường, một mong mỏi chính đáng cho trẻ em trong độ tuổi đi học, còn với những đứa trẻ xóm chài ven sông đó là một cái gì đó quá xa vời với chúng.

Trên bờ, cách xóm thuyền chỉ vài chục mét là phố xá tấp nập với những toà nhà chọc trời. Dưới sông, những chiếc nhà thuyền mục nát tròng trành, nổi trôi trong dòng nước lũ, trụ bám trái pháp luật.
 
Số phận những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà ọp ẹp ấy cũng đang nổi trôi theo cuộc mưu sinh đầy vất vả, gian truân.

Quốc Cường - Tiến Nguyên