1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vạch trần những sai phạm “chết người” của công ty PTVE

(Dân trí) - Ban đêm, giả làm “than tặc”, các trinh sát của Cục Cảnh sát môi trường mò mẫm quanh những sườn đồi trụi đen và dòng suối “chết”, khéo léo “xuyên thủng” hàng rào thép gai và lực lượng bảo vệ dày đặc bao quanh khu mỏ Uông Thượng (Quảng Ninh).

Vạch trần “trận đồ bát quái”

 

Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) nhận được thông tin về việc Công ty PTVE khai thác than tại mỏ Uông Thượng (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững kinh tế và phát triển cộng đồng.

 

Cục C36 đã cử nhóm trinh sát đặc biệt tiến hành điều tra xác minh các thông tin do nhân dân cung cấp.

 

“Đại bản doanh” của PTVE đặt tại khu mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông (thuộc phường Vàng Danh, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh), có diện tích 1.300 ha. Tuy vậy, việc tiếp cận công trường khai thác để phát hiện sai phạm rất khó khăn. Trung tá Phạm Văn Hạnh, cán bộ Phòng 3, cho biết: toàn công ty luôn có hàng trăm công nhân làm việc, khu vực danh giới mỏ Uông Thương được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống hàng rào dây thép gai.

 

Bao bọc xung quanh và khu vực nội bộ là những đồi núi rộng mênh mông, trơ trụi. Trong công ty có hệ thống đường giao thông nội bộ và được lực lượng bảo vệ cẩn mật bằng hệ thống thông tin liên lạc. Trung tá Hạnh cho biết thêm, trên thực tế những đoàn kiểm tra trước đây khi tiếp cận PTVE luôn gặp phải sự đối phó rất tinh vi.

 

Khi có đoàn công tác, lực lượng bảo vệ vòng ngoài dùng điện đàm báo động, từ đó có chỉ đạo từ những vị trí cấp cao để các đơn vị sản xuất tự giảm cường độ lao động, giảm tiếng ồn, bụi và giảm lưu lượng bốc xúc. “Với cách này, PTVE có thể giảm tới 30% công suất khai thác trong thời gian có đoàn kiểm tra, kết quả quan trắc ô nhiễm giảm đi so với thực tế”, trung tá Hạnh nói.

 

Ngày 3/11/2009, C36 có văn bản báo cáo lãnh đạo Tổng cục cảnh sát về kế hoạch kiểm tra đối với PTVE, được sự đồng ý của lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát. Ngày 25/11, C36 đã phối hợp cùng với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Ninh, UBND phường Vàng Danh tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác than của công ty PTVE.

 

Vạch trần những sai phạm “chết người” của công ty PTVE - 1
Bãi thải đất đá của công ty PTVE (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

 

Qua thực tế kiểm tra, trinh sát Cục C36 xác định công ty PTVE đã đổ đất thải không đúng quy định, lấp kín thung lũng (nơi có suối Uông Thượng Đông chảy qua) làm chặn dòng chảy sinh thủy của suối Uông Thượng Đông từ nguồn về, tạo thành một hồ nước lớn khoảng 2.000m2. Phần còn lại của suối này chỉ còn dài khoảng 700m và đã bị bồi lấp nâng cao đáy, thu hẹp lòng suối.

 

“Bóp nghẹt” sinh thái

 

Trung tá Nguyễn Quốc Trung - Trưởng Phòng 3 Cục C36 - cho biết, theo cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án khai thác mỏ than Uông Thượng - Đồng Vông ở Uông Bí, Quảng Ninh, chất thải rắn (đất đá thải) được đổ ra bãi thải ngoài là sườn tây và sườn đông của thung lũng ở phía đông khai trường Uông Thượng, nơi có suối Uông Thượng Đông chảy qua, nhưng không được để sụt lở làm bồi lấp suối.

 

Đây là yêu cầu thiết yếu bởi dòng suối Uông Thượng Đông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống của hàng vạn người dân sinh sống tại địa bàn. Suối Uông Thượng (một trong ba dòng suối hợp thành suối Vàng Danh cấp nước cho nhà máy nước Lán Tháp - Uông Bí và là nguồn nước sinh hoạt chính của nhân dân thôn Miếu Thán, phường Vàng Danh) gồm 2 nhánh Uông Thượng Tây và Uông Thượng Đông cùng bắt nguồn từ dãy núi Bảo Đài. Suối Uông Thượng Đông chảy qua thung lũng lớn nằm giữa mỏ than Uông Thượng và Đồng Vông có chiều dài 3 km, rộng 5 - 10m.

 

Thời điểm trước khi Công ty PTVE khai thác than tại mỏ Uông Thượng, mực nước của 2 dòng suối này rất lớn, người dân có thể đóng bè đi lại trên suối để vận chuyển lâm sản. Đến nay lưu lượng nước đã giảm đáng kể, việc lưu thông bằng đường thủy bị chặn đứng.

 

Nước thải công nghiệp không qua xử lý chảy tràn ra suối Uông Thượng Tây, bãi thải ngoài chặn lấp suối Uông Thượng Đông tạo nên hồ nước ô nhiễm. Do nước suối đầu nguồn Uông Thượng Đông thẩm thấu qua bãi thải (có nhiều dư lượng thuốc nổ mìn bóc vỉa còn dư sót) gây ô nhiễm nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt. Nước hồ tại chân bãi thải ô nhiễm nghiêm trọng nên người dân ở đây không thể sử dụng nguồn nước này làm nước sinh hoạt.

 

Vạch trần những sai phạm “chết người” của công ty PTVE - 2
Sơ đồ khu vực dự án khai thác than của PTVE

 

Thậm chí từ nguồn nước từ giếng đào và giếng khoan, một số hộ dân sử dụng để bơm vào hồ nuôi cá nhưng do nước bị ô nhiễm nên dẫn đến cá chết hàng loạt. “Có cán bộ của PTVE vẫn tỏ ra thiếu hợp tác khi “vin” vào lý do bất đồng ngôn ngữ, chưa thông hiểu pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam…”, trung tá Phạm Văn Hạnh kể lại,

 

Trung tá Nguyễn Quốc Trung khẳng định, qua nhiều đợt kiểm tra xác định PTVE có 22 hành vi vi phạm nhưng đến nay mới chỉ khắc phục 5 - 6 nội dung liên quan. Đến thời điểm này, đại diện của Công ty Indonexia đã ký vào biển bản thừa nhận một số sai phạm. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra mở rộng một số vi phạm khác và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

 

Phúc Hưng