Ngày Người cao tuổi 1/10:

“Ước nguyện cuối cùng là được ra đi thanh thản nhất”

(Dân trí) - “Cuộc đời đã an phận, từng tuổi này rồi thì già chúng tôi chẳng còn tha thiết gì nữa, chỉ mong làm sao ra đi một cách thanh thản, ngọt lịm nhất”, những cụ già tại Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa TP Cần Thơ chia sẻ.

Nhà Nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa TP Cần Thơ (gọi tắt là Nhà nuôi dưỡng) - “ngôi nhà chung” của hàng chục người già neo đơn trong ngày 1/10 đón "sinh nhật" lần thứ 20 trong không khí rất ấm cúng. PV Dân trí đã về đây để cùng nghe các cụ kể về đời mình.

Các cụ già ở Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa Cần Thơ trong sáng 1/10.
 Các cụ già ở Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa Cần Thơ trong sáng 1/10.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Khi chúng tôi hỏi nhiều cụ về ngày sinh, tháng đẻ thì hầu như không ai nhớ và chỉ biết rằng, cứ đến ngày 1/10 hàng năm, tại đây các cụ cùng được đón sinh nhật chung. Đó là một ngày mà đối với các cụ già ở đây là vui nhất, các cụ được mặc áo mới, được nghe những lời chúc trăm năm tuổi, mặc dù có cụ cũng đã qua con số này.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Huỳnh Thị Tài (70 tuổi) cho biết, cụ quê ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cụ vào sống ở Nhà nuôi dưỡng đã hơn 10 năm nay. Cụ kể, hồi đó nhà nghèo lắm, cha mẹ chẳng may mất sớm, cụ không còn anh em, cũng không nhiều họ hàng thân thích nên cụ thấy rất cô độc.

“Hồi cha mẹ mất, già này chỉ có hai bàn tay trắng, rồi cũng phải làm thuê, làm mướn sinh sống qua ngày. Cha mẹ mất là nỗi đau lớn lắm nhưng rồi qua thời gian, già thấy rằng mình muốn cha mẹ sống hoài với mình cũng chẳng được nên mình phải biết tự lo và vươn lên thôi chú à”, cụ Tài chia sẻ.

Vào Nhà nuôi dưỡng, cụ Tài cho biết, hồi mới vào, cụ còn mạnh khỏe nên làm việc này, việc kia để phụ “ngôi nhà chung” của mình. Giờ tuổi đã cao, cụ không làm được việc nữa nhưng với thói quen hàng ngày, cứ 5 giờ sáng là cụ Tài thức ra sân đi lòng vòng thể dục, rồi trò chuyện với các cụ ở chung. “Giờ già không còn buồn phiền gì, cuộc đời có mấy mươi năm đâu, buồn hoài cũng vậy nên khi được vào đây sống, già cảm thấy rất vui”, cụ Tài bộc bạch.

Cụ Tài chia sẻ, vào trung tâm, thấy nhiều cụ cũng như mình, hay có những cụ lớn tuổi hơn nằm liệt giường nhưng họ vẫn sống thanh thản. Nói về mong ước cuối đời còn lại, cụ Tài cười nói: “Già chẳng còn mong mỏi gì nữa cả, giờ chỉ mong ra đi làm sao không bị hành xác, ra đi một cách ngọt lịm nhất mà thôi”.

Cụ Huỳnh Thị Tài: Ước mong của cụ là được ra đi thanh thản.
Cụ Huỳnh Thị Tài: Ước mong của cụ là được ra đi thanh thản.

Nhắc đến gia đình, khi trò chuyện với chúng tôi, cụ ông Trần Văn Pho (83 tuổi, quê ở tận Lâm Đồng) tỏ ra bùi ngùi xúc động. Cụ Pho cho biết, hiện cụ vẫn còn có 3 người con đang sinh sống ở khắp nơi, còn cụ vào sống ở Nhà nuôi dưỡng đã hơn 1 năm nay.

Cụ Pho bồi hồi kể lại, vợ của cụ mất khi còn chiến tranh, để lại cho cụ 3 người con, đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Hơn mấy chục năm gà trống nuôi con, cụ cực khổ biết chừng nào. Rồi con cái lớn lên gả chồng, lấy vợ và vì quá khó khăn nên cụ bán nhà cửa chia cho con cái đi làm ăn tứ xứ. Không nhà cửa, cụ Pho sống vất vưởng ở vỉa hè, xó chợ một thời gian rồi chẳng may cụ bị mù cả hai mắt vào khoảng năm 2009.

“Lúc bị mù, già buồn lắm nên chỉ muốn chết cho xong. Già hai lần uống thuốc sâu tự tử nhưng đều được người ta cứu kịp. Sau đó, già được chính quyền địa phương đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội ở và điều trị bệnh. Già được chữa trị một con mắt phải, bên trái vẫn còn bị mù nhưng được thấy ánh sáng đã là quý lắm rồi”, cụ Pho nói.

Cụ Pho cho biết, dù sao cụ cũng còn may mắn hơn nhiều cụ khác khi vẫn còn có con cháu. Song, vì cuộc sống nghèo nên con cháu lâu lâu mới đến thăm cụ nhưng không vì vậy mà cụ buồn tủi. “Làm cha mẹ, biết con cái lớn có cuộc sống dù nghèo hay giàu mình cũng vui lắm. Còn đối với già thì không mong gì ở con cháu nữa. Nếu còn sức khỏe thì già sẽ giúp Nhà nuôi dưỡng làm việc này, việc kia. Già chỉ mong được nằm yên ở mãi nơi đây”, cụ Pho tâm sự.

Cụ Trần Văn Pho mong có sức khỏe để làm được nhiều việc cho nơi nuôi dưỡng mình.
Cụ Trần Văn Pho mong có sức khỏe để làm được nhiều việc cho nơi nuôi dưỡng mình.

Không chỉ cụ Tài, cụ Pho mà với nhiều cụ già ở Nhà nuôi dưỡng này, mỗi cụ mỗi cảnh đời khác nhau. Có thể vì nhiều lý do nhưng các cụ đều cho biết, khi vào sống ở “ngôi nhà chung” thì hầu hết các cụ đều thấy đời mình đã an phận. Bởi thế, có cụ dù đã sống ở đây mười mấy năm trời, có cụ chỉ mới vào 1, 2 năm nhưng đều chung một suy nghĩ là không còn muốn vướng bận gì nữa.

Cụ Phiêu Thị Biếu (100 tuổi, quê ở TP Cần Thơ, cao tuổi nhất ở Nhà nuôi dưỡng) đã vào sống ở đây ngay từ những ngày đầu Nhà nuôi dưỡng mới thành lập. Giờ cụ Biếu không còn thấy đường, sức khỏe rất yếu nên mọi sinh hoạt đều phải có người chăm lo. Trò chuyện với PV Dân trí, chị Hà (nhân viên Nhà nuôi dưỡng) cho biết, chị đã chăm sóc cho bà Sáu (tên chị Hà gọi cụ Biếu) hơn chục năm qua. Chị không biết nhiều về hoàn cảnh cụ Biếu, chỉ biết rằng, cụ Biếu được một người cháu kêu bằng cô đưa vào đây. Lúc mới vào, cụ Biếu còn minh mẫn, yêu đời lắm. Cụ còn mong muốn được làm nhiều việc cho Nhà nuôi dưỡng trước khi nhắm mắt xuôi tay.

“Từ 5 năm nay, sức khỏe cụ Biếu yếu dần nên cụ không làm được gì nữa. Mắt bị mù, bị lẫn trí nhưng cụ vẫn còn nghe được nên thỉnh thoảng ai hỏi gì thì trả lời vậy thôi. Vui là ai hỏi tuổi, cụ cũng nói là mình mới 70, tội lắm”, chị Hà cho hay.

Cụ Biếu đã 100 tuổi và nhiều năm nay được chị Hà tận tình săn sóc.
Cụ Biếu đã 100 tuổi và nhiều năm nay được chị Hà tận tình săn sóc.

Gần phòng cụ Biếu ở, có một cụ đã 70 tuổi nhưng nếu mới nhìn vào bức tranh vẽ chân dung của cụ thì có lẽ ai cũng giật mình bởi cụ đã từng được gọi là người đẹp, cụ tên Nguyễn Minh Phượng (ngụ Cần Thơ).

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, đưa đôi mắt nhiều nếp nhăn nhìn ra cửa sổ phòng, cụ Phượng bồi hồi kể lại, giọng vẫn còn khỏe khoắn: “Chú biết không, hồi trẻ, già từng được rất nhiều người đàn ông theo đuổi đấy”. Chỉ tay lên bức vẽ chân dung của mình để trên tủ ngay cạnh giường, cụ nói: “Đó là già lúc già 40 tuổi được một người quen là họa sĩ vẽ tặng. Nó như một vật báu mà già luôn giữ đến giờ”.

Cụ Phượng cho biết, cụ từng có chồng nhưng rồi cuộc sống không được tốt nên đường ai nấy đi. Sau đó, chồng lấy người phụ nữ khác rồi có con có cháu, còn cụ thì không có gì ngoài đủ thứ bệnh trong người. “Thấy tôi bệnh tật khó khăn nên người thân đưa vào đây ở đến nay cũng đã 13 cái Tết rồi còn gì. Từng thời gian ấy cũng đủ cho già nghĩ sâu và hiểu thêm về những gì đã qua đối với già. Già cũng tiếc, cũng buồn lắm, vì thân mang bệnh tật nên đã mất mát nhiều thứ, con người ta mang bệnh thì còn cái khổ nào khổ hơn”, cụ Phượng tâm sự.

Nhìn vào chân dung vẽ cụ, chúng tôi định hỏi thêm vài điều nhưng rồi cụ Phượng lắc đầu và bày tỏ: “Đã mấy mươi năm rồi nên chẳng còn gì nữa cả, già chỉ mong những ngày cuối đời bệnh tật không hành hạ đã là niềm an ủi lớn nhất rồi chú à”. Vừa nói xong, cụ Phượng nhìn bức vẽ chân dung mình, mĩm cười, rồi nhìn ra phía cửa sổ với nét mặt còn lắm nỗi ưu tư.

Cụ Nguyễn Minh Phượng và bức chân dung thời còn son sắc.
Cụ Nguyễn Minh Phượng và bức chân dung thời còn son sắc.

Ở Nhà nuôi dưỡng không chỉ có những cụ 70, 80 mà còn có những mảnh đời chưa đến 50 tuổi, như chị Sơn Thị Phượng (48 tuổi, quê ở Sóc Trăng). Chị Phượng là người bị khuyết tật từ nhỏ nên đi lại hết sức khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi, chị Phượng cho biết, khi mới sinh ra, hai chân chị đã bị liệt. Rồi cha mẹ mất sớm, không người thân thích nên chị được người ta giới thiệu vào đây ở đến nay cũng đã 18 năm.

“Vào đây, có lúc tôi thấy buồn lắm nhưng vì được sống với nhiều cụ giống như cha mẹ, ông bà mình vậy nên mình cũng được an ủi phần nào. Ai cũng muốn có cuộc sống đầy đủ nhưng số phận mình đã vậy thì mình chấp nhận và cứ sống làm sao cho vui nhất”, chị Phượng bộc bạch.

Chị Phương chia sẻ, cuộc đời chị có chỗ để trú ngụ, có chỗ để ăn ở đã là hạnh phúc, chị chẳng còn mong mỏi gì. “Tôi chỉ muốn suốt đời ở đây, được sống và chết ở đây với các cụ như trong một gia đình thân yêu của mình”, chị Phượng bày tỏ.

Cụ Nguyễn Minh Phượng và bức chân dung thời còn son sắc.
Chị Sơn Thị Phượng bị tật nguyền từ nhỏ và mong được cùng sống, cùng chết với các cụ ở Nhà nuôi dưỡng.

Thật sự, chúng tôi không thể nói hết được những tâm tư, ước nguyện của tất cả các cụ già ở Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi không nơi nương tựa này. Qua trò chuyện, chúng tôi thấy rằng, tâm trạng các cụ rất lạc quan khi được tiếp xúc, nói chuyện với những ai quan tâm đến mình. Chúng tôi cũng nhận ra rằng, các cụ muốn nói rất nhiều, muốn được nhắn nhủ, được ước mong những gì mà các cụ còn ấp ủ. Và có lẽ, ở những cái tuổi có thể ra đi bất cứ lúc nào thì đối với các cụ, điều làm họ thanh thản nhất là được gặp và được sẻ chia.

Cụ Nguyễn Minh Phượng và bức chân dung thời còn son sắc.
Được quan tâm, chia sẻ của tất cả mọi người là niềm an ủi lớn nhất mà các cụ già mong muốn. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo bà Lê Thị Kim Bảy - Giám đốc Nhà Nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa TP Cần Thơ - cho biết, trong 20 năm qua (1993- 2013), Nhà nuôi dưỡng đã tiếp nhận được 294 cụ; số được gia đình nhận về địa phương là 122 cụ; số qua đời do tuổi cao là 115 cụ và hiện nay đang nuôi dưỡng 58 cụ (trong đó có 16 cụ ông và 42 cụ bà; số cụ 80 tuổi trở lên có 25 cụ). Thời gian qua, Nhà nuôi dưỡng thực hiện rất tốt những chế độ chăm sóc cho các cụ nên có thể nói các cụ sống rất thoải mái ở “ngôi nhà chung" này.

Huỳnh Hải