Từ năm 2017, TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển giám đốc Sở

(Dân trí) - Sở Nội vụ TPHCM vừa trình UBND TP phê duyệt “Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập”. Nếu đề án được thông qua, thành phố sẽ bắt đầu tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc sở, trưởng các phòng thuộc UBND quận, huyện... từ đầu năm 2017.

Theo đề án nêu trên, thời gian tới thành phố sẽ tổ chức thi tuyển vào các chức danh như giám đốc, phó giám đốc các sở và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ngành của thành phố; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc UBND quận, huyện; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ngành, quận, huyện.

Việc thi tuyển sẽ góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy điều hành, quản lý; đồng thời tạo điều kiện, động lực để lớp cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện (ảnh minh họa)
Việc thi tuyển sẽ góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy điều hành, quản lý; đồng thời tạo điều kiện, động lực để lớp cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện (ảnh minh họa)

Người dự tuyển là công chức, viên chức do cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng giới thiệu và phải là người trong quy hoạch của cơ quan, đơn vị mình tham gia dự tuyển; hoặc công chức, viên chức thuộc các cơ quan khác có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng và có quy hoạch chức danh tương đương.

Ngoài ra, người tham gia dự tuyển phải là công dân nước Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại TPHCM; có trình độ đại học trở lên, có đủ sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức kỷ luật cao, không trong thời gian bị truy cứu hình sự…

Đối với các vị trí quản lý lãnh đạo, chuyên ngành đặc thù như ngành báo chí, an ninh, đối ngoại… ngoài những tiêu chí chung, quy trình tuyển chọn phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.

Nội dung và hình thức thi tuyển gồm 3 vòng: sơ tuyển 30% số điểm (thành tích công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thể chất và các hoạt động, phẩm chất đạo đức...), thi viết 30% số điểm (nhằm đánh giá sự chắc chắn, am hiểu nghiệp vụ và khả năng lãnh đạo quản lý), thuyết trình 40% số điểm (để bảo vệ chương trình hành động).

Trong đó, “chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị” phải thể hiện được các nội dung như: đánh giá thực trạng về tổ chức và hoạt động trong 3 năm liên tục; đề ra được mục tiêu cụ thể phát triển cơ quan, đơn vị trong thời gian giữ chức vụ… Kết quả và bổ nhiệm lãnh đạo sẽ được công bố sau 10 ngày thi. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, người trúng tuyển phải đến nhận công tác.

Theo Sở Nội vụ TP, mặc dù chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố đã có bước phát triển về chất nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ trì trệ, hơn nữa việc bổ nhiệm lãnh đạo còn phổ biến tình trạng “sống lâu lên lão làng”. Việc thực hiện đề án sẽ góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy điều hành, quản lý; đồng thời tạo điều kiện, động lực để lớp cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện.

Được biết, cuối tháng 1/2014, TPHCM đã ban hành quyết định số 447 và phê duyệt đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Một số đơn vị đã tổ chức thi thành công, trong đó có Sở Tư pháp.

Tuy nhiên, sau đó do thực hiện kết luận của Ban Bí thư về việc dừng triển khai thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, nên thành phố đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện thi tuyển từ cuối tháng 6/2015.

Quốc Anh

Từ năm 2017, TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển giám đốc Sở - 2