15 năm Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới:

Từ cứu nguy khẩn cấp đến phát triển bền vững

(Dân trí) - Với 25 - 50 tỷ đồng/năm cho công tác bảo tồn, quần thể di tích Cố đô đã được tu bổ nhiều và vượt qua tình trạng cần cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn phát triển bền vững sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo con số thống kê của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô, trong tổng số hơn 400 công trình kiến trúc hiện có của quần thể, đã có hơn 80 công trình được trùng tu theo nhiều mức độ, tiêu biểu như chùa Thiên Mụ, lăng Gia Long, điện Thái Hòa, nhà hát Duyệt Thị Đường…

Với sự hỗ trợ ước tính 6 triệu USD và những sự giúp đỡ chuyên môn khác từ cộng đồng quốc tế, quần thể di tích Cố đô đã thoát khỏi tình trạng cần cứu nguy khẩn cấp, tìm lại vẻ đẹp kiến trúc và giá trị văn hóa vốn có để bước vào giai đoạn phát triển bền vững.

Song song với việc bảo tồn và khai thác “phần xác” của quần thể, từ khi Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô đã sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng nhiều tác phẩm nhã nhạc cũng như các lễ tế dưới triều nhà Nguyễn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Cố đô được công nhận Di sản văn hóa thế giới (11/12/1993 - 2008), bà Vibeke Jensen - Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho biết: “Việt Nam đã đưa di sản Huế bước sang giai đoạn phát triển bền vững. Những nỗ lực bảo vệ, khôi phục quần thể di tích và Nhã nhạc được UNESCO và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”.

Bài toán đặt ra với quần thể di tích Cố đô chính là cân bằng giữa bảo tồn và phát triển và lấy nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn. Mặc dù hàng năm, nguồn thu từ bán vé đạt mức 80 tỷ đồng, nhưng trong một cuộc trả lời báo chí mới đây ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô đánh giá sự phát triển này “chưa ngang tầm với tầm vóc di sản”.
 
Từ cứu nguy khẩn cấp đến phát triển bền vững - 1

 
Huế nổi tiếng với 2 di sản thế giới nhưng du khách chưa được tận hưởng những dịch vụ cao cấp (Ảnh: H.K).

Ông Phu cho rằng: Nếu đầu tư vào để làm giàu, làm bền vững văn hoá thì sự phát triển ấy sẽ ở mức độ cao hơn. Mặc dù có tới 2 di sản văn hóa của nhân loại nhưng các loại hình du lịch ở Huế chưa đa dạng, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch tìm hiểu văn hóa, mua sắm… chưa phát triển xứng tầm.

Còn theo các chuyên gia trong Hội thảo về phát triển du lịch Huế mới đây, vấn đề của du lịch Huế là tìm cách kéo dài ngày lưu trú của khách (hiện chỉ hơn 2 ngày/lượt) và “làm mới” dịch vụ, để Huế không chỉ là 2 di sản nói trên.

Quần thể di tích Cố đô đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững, đó là một tín hiệu tốt lành. Nhưng để khai thác bền vững và phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm song song với việc bảo tồn vẫn là một bài toán cần lời giải căn cơ.

Hồng Kỹ