Từ 1/10, nâng lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng

(Dân trí) - Bắt đầu từ 1/10, lương tối thiểu của một lao động phổ thông sẽ là 350.000 đồng/tháng, tức là tăng 60.000 đồng so với hiện nay. Đây là nội dung mới nhất của Nghị định số 118/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu chung do Chính phủ ban hành ngày 15/9.

Như vậy là lương của một người đã tốt nghiệp đại học sẽ là 819.000 đồng, tăng 141.000 đồng; của chuyên gia cao cấp sẽ tăng 780.000 đồng. Về kinh phí thực hiện điều chỉnh lương, Nghị định này có quy định, các đối tượng làm việc trong các doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp hoạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.

 

Còn kinh phí điều chỉnh lương đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được đảm bảo từ việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh thành phố; từ việc sử dụng tối thiểu 40% số thu của đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính có thu (riêng y tế là 35%); từ sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.

 

Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố đã huy động cả 3 nguồn kinh phí kể trên mà vẫn không đủ trả lương cho cán bộ nhân viên thì được ngân sách trung ương bổ sung. Kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với người làm việc trong doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.

 

Mức lương tối thiểu chung này cũng sẽ được dùng làm cơ sở điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tính trợ cấp thôi việc, các khoản trích, các chế độ được hưởng...

 

Trước đó mấy hôm có thông tin Chính phủ đã đưa ra 2 phương án tăng mức lương tối thiểu là 400.000 đồng/tháng và 600.000 đồng/tháng để chọn lựa.

 

Cùng ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị định 117/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp BHXH.

 

Theo đó, 5 đối tượng thuộc diện được điều chỉnh lần này bao gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng theo thang, bảng lương do nhà nước quy định; công nhân viên chức và người lao động hưởng lương hưu hàng tháng vừa có thời gian hưởng lương hưu hàng tháng theo thang, bảng lương do nhà nước quy định và có thời gian hưởng lương không theo thang, bảng lương do nhà nước quy định; công nhân, viên chức đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ  xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 121/2003 và 09/1998.

 

Như vậy từ ngày 1/10/2005 đến 30/9/2006, công nhân viên chức trước khi nghỉ hưu hưởng lương dưới 390 đồng mỗi tháng; có hệ số lương cũ dưới 3,06 và dưới 3,99 thì lương hưu được tăng thêm 10% so với mức đang hưởng. Công nhân viên chức trước khi nghỉ hưu hưởng lương từ 390 đồng mỗi tháng trở lên; có hệ số lương cũ trên 3,06 và trên 3,99 thì lương hưu tăng thêm 8%. Những đối tượng trên sẽ được tăng từ 8-10% tiền lương hưu hiện hành, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể và mức lương được hưởng trước khi nghỉ hưu...

 

Riêng người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người hưởng trợ cấp, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức trợ cấp sẽ được tăng lên 10% so với mức đang hưởng.

 

Kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ do ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.

 

Thanh Ngọc