Truyền thông có vai trò quan trọng đối với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Sự tham gia của truyền thông trong việc huy động các bên liên quan hành động tập thể hướng tới thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết.

TS. Leo Sebastian- Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu, An ninh nông nghiệp và lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS-SEA) đã đánh giá như trên tại Hội thảo “Truyền thông về Biến đổi khí hậu” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng CCAFS-SEA tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/11.

Truyền thông có vai trò quan trọng đối với biến đổi khí hậu
TS. Leo Sebastian- Giám đốc CCAFS-SEA :"Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong biến đổi khí hậu".

Tại hội thảo, đại diện CCAFS-SEA đánh giá, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Việt Nam là một trong những nước tại khu vực Đông Nam Á phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 0,5 tới 0,7 độ C trong vòng 50 năm qua. Cũng trong thời gian này, mực nước biển đang dâng cao khoảng 20cm.

Mỗi năm, thiên tai đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và ước tính tới năm 2100 Việt Nam sẽ mất hơn 10% GDP do phải gánh chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số. Nếu lấy mốc từ năm 2008, sản lượng gạo của Việt Nam sẽ giảm 8% vào năm 2030 và 15% vào năm 2050.

TS. Leo Sebastian- Giám đốc CCAFS- SEA cho biết, biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và an ninh lương thực trên toàn thế giới. Nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng 1,4 độ C trong vòng thế kỷ qua. Sự ấm lên toàn cầu luôn đi kèm với những thay đổi về thời tiết và khí hậu. Những thay đổi bất thường về lượng mưa dẫn đến lũ lụt, hiện tượng nắng nóng thường xuyên và kéo dài dẫn đến hạn hán… ngày càng xuất hiện thường xuyên ở khắp nơi trên thế giới.

Theo TS. Leo, các chương trình mà CCAFS- SEA đang triển khai thực hiện trước hết hướng tác động tới sự thay đổi hành vi của các đối tượng là các Bộ, ban ngành, cơ quan nghiên cứu và khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây sẽ chính là các tổ chức, đơn vị có khả năng huy động và nhân rộng các phát kiến, giải pháp, chính sách, quy trình trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hoạt động của CCAFS- SEA sẽ tích hợp việc xây dựng nền nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu và giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn công bằng và bền vững vào các chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Song song đó sẽ xây dựng một nền nông nghiệp có thể tạo ra nguồn cung cấp lương thực ổn định với người tiêu dùng, đặc biệt là người dân thu nhập thấp tại nông thôn, giúp họ có thể tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm có chất lượng tốt và hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ.

TS. Leo cho rằng, sự tham gia của truyền thông trong việc huy động các bên liên quan hành động tập thể hướng tới thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là là vô cùng cần thiết. “Chính vì vậy, sự tham gia của truyền thông trong việc phổ biến các kết quả từ chương trình CCAFS sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho triển khai các hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”- TS. Leo nhấn mạnh.

Tại hội thảo, TS. Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cũng đánh giá, truyền thông có đóng góp rất quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về biến đổi khí hậu. Từ đó sẽ giúp cộng đồng người dân có thể thay đổi hành vi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

                                                                                                Huỳnh Hải