Trung ương, địa phương đều có công chức “cắp ô”!

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dù là khu vực công hay tư luôn có người làm việc tốt, người làm việc không tốt, tuy nhiên mức độ bao nhiêu tùy thuộc từng cơ quan, còn con số 30% chỉ là võ đoán.

Ngày 9/12, trong buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc có bao nhiêu phần trăm công chức “cắp ô” trong bộ máy hành chính công hiện nay. Ông Tuấn không phủ nhận thực tế từ Trung ương đến địa phương vẫn có công chức, viên chức năng lực yếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ.

Năng lực không đáp ứng công việc lãnh đạo có thể xin từ chức

Vấn đề thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đang thực hiện thí điểm ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, việc này thực hiện đúng tinh thần của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. “Hiện nay, ở địa phương có Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Long, Quảng Nam, Đà Nẵng… đang thực hiện. Khối Trung ương có Bộ Tư pháp, Bộ GTVT làm hẳn một đề án thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam”, ông Tuấn thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết nhiều địa phương thi tuyển lãnh đạo

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết nhiều địa phương thi tuyển lãnh đạo

Theo ông Tuấn quá trình thí điểm trên đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Đối với cơ quan Trung ương thì Ban tổ chức Trung ương phối hợp cùng Bộ Nội vụ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể, hiện nay Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Ban cán sự Đảng Chính phủ, sau đó tiếp tục trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án thí điểm, đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Ông Tuấn cho biết hiện nay, đề án đã hoàn thiện và đang xin ý kiến cấp trên. Sau đó Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện và trình Bộ Chính trị.

“Đây là vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ lãnh đạo quản lý. Vì thế chúng tôi xây dựng một cách thận trọng!”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho hay, dự thảo xây dựng quy chế những trường hợp công chức, viên chức quản lý có thể từ chức quy định rõ như không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ đang giữ; Năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý (dù không phải là người gây ra) thì cũng có thể từ chức.

Trung ương, địa phương đều có công chức “cắp ô”

Bộ Nội vụ ủng hộ kéo dài tuổi làm việc

Liên quan đến vấn đề câu hỏi Chính phủ đang xem xét kéo dài tuổi làm việc với cán bộ công chức, viên chức nữ giữ cương vị lãnh đạo là vụ trưởng hoặc tương đương (giám đốc sở) trở lên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ ủng hộ việc này.

Trước câu hỏi thực tế có tới 30% công chức hay chỉ 1% công chức không làm được việc? Ông Tuấn cho biết, con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc chỉ là võ đoán vì thực tế chưa có thống kê chính thức nào.

Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2012. Theo ông Tuấn tỉ lệ 1%, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ mới là số liệu ban đầu theo báo cáo của các đơn vị được yêu cầu và Bộ Nội vụ vẫn đang tổng hợp.

Ông Tuấn cho rằng, thực tế dù ở khu vực công hay tư, luôn có người làm việc tốt và người làm việc không tốt. “Chúng tôi cũng không phủ nhận từ Trung ương đến địa phương vẫn còn bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Tuấn nói.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội cách đây hơn một tuần, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích con số 30% công chức không làm được việc được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại dư luận. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ đây là những phản ánh, kiến nghị đòi hỏi phải đổi mới cải cách công vụ nhiều hơn nữa.

Quang Phong