Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần

(Dân trí) - Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, sinh năm 1923, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4 tháng 4 năm 2019.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần - 1

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần ở tuổi 96.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết sức chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ được thông báo sau.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh năm 1923, tên thật Nguyễn Hữu Vũ. Ông là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967–1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Ông cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (Quốc lộ Trường Sơn).

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra tại xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng  Bình, xuất thân trong một gia đình trung lưu. Chịu ảnh hưởng của gia đình, ông sớm đã có tinh thần chống thực dân Pháp.

Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên, một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng.

Năm 1940, ông được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn (mật danh là chi bộ Bình). Cùng năm này, ông theo học bậc trung học, tại trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới. Một năm sau, ông được phân công làm Bí thư chi bộ tại trường. Những hoạt động của ông sớm bị chính quyền thực dân theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 bậc Thành chung, ông bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào bí mật tại Lào và Thái Lan, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước để gây dựng cơ sở.

Năm 1944, ông bí mật trở về Việt Nam hoạt động, phụ trách Phủ ủy Quảng Trạch, làm chủ nhiệm báo Hồng Lạc và xây dựng chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, tham gia Cách mạng tháng 8. Sau Cách mạng tháng 8, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I.

Chiến tranh Đông Dương nổ ra, ông được phân công làm chính trị viên kiêm tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Trong thời gian 1947-1948, ông chỉ huy nhiều trận tấn công quân Pháp, vì vậy, để tránh liên lụy đến gia đình, ông dùng tên mới là Đồng Sĩ Nguyên, cái tên về sau gắn bó với ông trong cuộc đời còn lại.

Năm 1950, ông được rút về Việt Bắc học lớp trung cao quân sự, sau đó được điều về Tổng cục Chính trị làm phái viên, biệt phái tham gia Bộ tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954.

Sau năm 1954, ông được điều về Bộ Tổng tham mưu, phụ trách Cục Động viên dân quân. Năm 1959, ông được phong quân hàm đại tá.. Năm 1961, ông được cử sang Trung Quốc học trường Cao cấp Quân sự Bắc Kinh.

Năm 1964, ông về nước và được đề bạt giữ chức vụ Tổng tham mưu phó một thời gian ngắn, sau đó được điều về làm Chính ủy Quân khu 4, năm 1965, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào.

Cuối năm 1965, ông bị thương, phải về Hà Nội điều trị. Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương, dưới quyền ông Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục.

Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh Đoàn 559, thay Đại tá Hoàng Văn Thái. Ông giữ chức vụ này đến năm 1976. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Năm 1976, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 1979, ông được điều trở lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV.

Từ năm 1982, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi thôi chức Bộ trưởng, ông được giao nhiệm vụ Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, rồi là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (Quốc lộ Trường Sơn).

TTXVN - Tuấn Hợp