1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trung tâm TPHCM lún 10mm khi thi công ga metro

(Dân trí) - Quá trình thi công ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), hàng trăm máy quan trắc được lắp đặt để theo dõi quá trình lún, chuyển vị của các tòa nhà cao tầng, tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố. Theo kết quả quan trắc mới nhất, có nơi lún 10mm…

Lún ở giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ

Ga Nhà hát Thành phố có độ sâu 40m và thi công ở khu vực có địa chất phức tạp. Chính điều này đã dấy lên mối lo ngại của người dân cũng như giới chuyên môn về tính an toàn của công trình. Đặc biệt là nguy cơ gây sụt lún, chuyển vị (dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác) của các tòa nhà khu vực lân cận.

Đoàn công tác của Chính phủ đi thị sát quá trình thi công ga Nhà hát Thành phố vào tháng 8/2015
Đoàn công tác của Chính phủ đi thị sát quá trình thi công ga Nhà hát Thành phố vào tháng 8/2015

Liên quan đến vấn đề này, Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban quản lý dự án tuyến metro 1 cho biết, kết quả quan trắc khi thi công ga Nhà hát Thành phố (quận 1, TPHCM) phát hiện có tình trạng lún tại một số vị trí, trong đó lún nhiều nhất ở giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ (gần khách sạn REX). Vị trí lún sâu nhất là 10mm. Theo ông, mức độ lún này không ảnh hưởng gì đến việc thi công bởi biên độ lún cho phép là 20mm.

Ông Hòa cũng cho biết thêm, khi kiểm tra dưới lòng đường, đơn vị thi công phát hiện có đoạn ống thoát nước cũ bị lấp nhưng lòng cống không được đổ đất. Theo ông, không loại trừ khả năng lún là do đất cát trôi vào cống.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, phải thường xuyên giám sát chặt chẽ những dấu hiệu bất thường tại các tòa nhà, tuyến đường lân cận Nhà hát Thành phố. Nếu phát hiện có dấu hiệu lún hoặc chuyển vị, chúng tôi sẽ dừng thi công để khắc phục. Nếu lún vượt mức cho phép thì phải ngừng thi công và tìm phương án khác”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, khu vực trung tâm thành phố có địa chất phức tạp. Nhà ga làm sâu buộc nhà thầu phải có kinh nghiệm xử lý. Mạch nước ngầm ở trung tâm thành phố nằm ở độ sâu từ 5 – 7m và đơn vị thi công đã đào xuống độ sâu 40m để xây tường vây và chưa có sự cố gì.

“Sắp tới, nhà thầu sẽ gia cố nền đất bên hông Nhà hát Thành phố trước khi đổ khuôn bê tông bao bọc đường hầm và tiến hành khoan, để không ảnh hưởng đến tòa nhà này. Cuối năm, khi triển khai máy đào TBM để khoan đường hầm nối từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son, nhà thầu sẽ lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc lún, chuyển vị của các tòa nhà, tuyến đường dọc theo công trình”, ông Hòa nói.

Tuyến metro số 2 chưa biết bao giờ khởi công

Liên quan tới tiến độ thi công các tuyến metro, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cũng thông tin về công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Dự án tuyến metro số 2 được UBND TP phê duyệt vào năm 2010 với tổng số vốn 1,34 tỷ USD. Nhưng đến năm 2013, dự án được điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD. Theo Luật Đầu tư công, dự án trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua. Chính vì thế, dù đã sắp xếp được nguồn vốn nhưng tuyến metro số 2 vẫn không thể khởi công.

Ông Hoàng Như Cương – Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết, thành phố đang rất “bí” trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, giờ đây dự án được “cởi trói” sau khi có Nghị định 131/2015/NĐ-CP và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, việc điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 không phải xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội mà chỉ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát vào kỳ họp cuối năm.

Nếu hoàn tất giải phóng mặt bằng trong năm nay, đầu năm 2018 tuyến metro số 2 sẽ được khởi công. Trong ảnh là đoạn trên cao tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
Nếu hoàn tất giải phóng mặt bằng trong năm nay, đầu năm 2018 tuyến metro số 2 sẽ được khởi công. Trong ảnh là đoạn trên cao tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên

Ông Huỳnh cho biết, hiện nay tuyến metro số 2 đang trong quá trình hoàn thành thiết kế nền tảng. Thiết kế này vẫn chưa được phê duyệt vì còn điều chỉnh mặt bằng và ranh thu hồi đất của 3 ga ngầm. Dự kiến trong tháng 3, UBND TP sẽ có quyết định về ranh thu hồi đất. Tiếp đó, Ban Đường sắt đô thị sẽ hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, chuyển Sở GTVT TP hoàn tất thẩm định và trình UBND TP phê duyệt trong quý II/2016, để làm cơ sở lập dự án điều chỉnh.

“Chúng tôi dự kiến hoàn tất hồ sơ trong quý II/2016, trình Bộ GTVT thẩm định trong quý III và UBND TP sẽ phê duyệt trong quý IV/2016. Nội dung này cũng được UBND TP thông báo với các nhà tài trợ tại cuộc họp gần đây”, ông Cương nói và cho biết, các nhà tài trợ đề xuất thành phố cho tổ chức đấu thầu các gói thầu song song với quá điều chình dự án để tiết kiệm thời gian. Hiện UBND TP đang xem xét đề xuất này.

Nói về thời điểm khởi công dự án, ông Cương cho biết vấn đề này ngoài “tầm” của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Dự án ảnh hưởng đến hơn 700 hộ dân. Giải phóng mặt bằng được tách riêng và giao cho các quận thực hiện. Mục tiêu đề ra là cuối năm nay sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng.

“Khi nào có mặt bằng thì mới thi công. Giả sử năm nay hoàn thành giải phóng mặt bằng thì sang năm sau sẽ thi công. Thi công mất 4 – 5 năm, như vậy phải đến 2023 mới hoàn thành tuyến metro số 2”, ông Cương nói.

Quốc Anh

Trung tâm TPHCM lún 10mm khi thi công ga metro - 3