Thủ tướng:

"Trong đại dịch, cần gắn kết các nỗ lực, hành động của cộng đồng ASEAN"

(Dân trí) - “Trong đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, ASEAN phải tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng. Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” Việt Nam đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đúng lúc và xác đáng”.

Khép lại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 ngày hôm nay, 14/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn về kết quả hoạt động.

Trong đại dịch, cần gắn kết các nỗ lực, hành động của cộng đồng ASEAN - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 với tư cách Chủ tịch ASEAN.

Thiệt hại do Covid-19 vượt xa các đợt khủng hoảng từng xảy ra

Thủ tướng trước hết phân tích, đại dịch đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ haivà cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển.

Chỉ sau hơn ba tháng, đại dịch đã tàn phá, gây ra những thiệt hại nặng nề cả về sức khoẻ, tính mạng con người cũng như về kinh tế - xã hội, dự đoán vượt xa mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Đến thời điểm này, tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN đều có người mắc bệnh với hơn 18.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 740 trường hợp tử vong. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, đại dịch còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của các nước ASEAN và các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Dự báo tăngtrưởng của tất cả các nước ASEAN đều sẽ suy giảm mạnh, thậm chí một số nước có thể tăng trưởng âm. 

“Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cùng các nước thành viên đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tuy nhiên, trước sự bùng phát bất ngờ và những hệ luỵ làm đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, chúng ta buộc phải có những điều chỉnh cần thiết đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động nói trên” – Thủ tướng nói.

Với phương châm đặt tính mạng sức khỏe của người dân lên trên hết, duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống dịch, các nước thành viên ASEAN, Việt Nam đã linh hoạt tổ chứcvới hình thức trực tuyến nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng… cũng như các cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và với các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục xem xét tổ chức các hội nghị quan trọng của ASEAN vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.

Đứng đơn lẻ, không nước nào có thể đẩy lùi đại dịch

Thủ tướng Việt Nam khái quát, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, ASEAN đã phản ứng nhanh chóng, kịp thời, tăng cường gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. Cộng đồng đã sớm có Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 (ngày 14/2/2020), đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng giữa các thành viên cũng như với các đối tác nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng, chống dịch, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.

Theo Chủ tịch ASEAN 2020, hơn bao giờ hết, đây là lúc mỗi nước thành viên ASEAN phải thực sự “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng”. Đứng riêng lẻ, không nước nào có thể tự mình đẩy lùi đại dịch; đoàn kết lại, không hiểm hoạ nào có thể khuất phục được.

Bên cạnh đó, ASEAN chính là mái nhà chung để cộng đồng chung cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này.

Thủ tướng nhận định: “Tôi cho rằng các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN. Phản ứng kịp thời và phối hợp chặt chẽ trong chính sách và hành động giữa 10 thành viên sẽ có ý nghĩa quyết định trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”.

Tin tưởng ASEAN sẽ sớm vượt qua 

Song song với việc phòng, chống dịch, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ASEAN cũng cần chú trọng đến công tác khắc phục hậu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19.  

Cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường cổ vũ ý thức cộng đồng, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đoàn kết quốc tế.

Trướcmắt, kịp thời triển khai hỗ trợ những nhóm yếu thế trong xã hội và các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp ổn định sản xuất – kinh doanh, duy trì các hoạt động giao thương.

Trong dài hạn, ASEAN cần nâng cao sự tự cường, sức chống chịu và khả năng sẵn sàng ứng phó của mỗi quốc gia thành viên cũng như của cả cộng đồng trước những cú sốc tương lai. Thúc đẩy kết nối, tăng đan xen lợi ích, giảm khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên sẽ là lời giải lâu dài cho những thách thức tương tự như Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ tin tưởng, ASEAN sẽ sớm vượt qua đại dịch. Thử thách này không thể khuất phục khu vực, mà trái lại sẽ tạo động lực để ASEAN cùng nhau vươn lên mạnh mẽ hơn, thực sự là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN năm nay. Trước hết, đại dịch Covid-19 đã cho thấy chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đúng lúc và hoàn toàn xác đáng. Những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này, thực sự biến lời nói thành hành động cụ thể.Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN. Cách chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch này sẽ khẳng định rõ hơn nữa bản lĩnh và sức mạnh của ASEAN.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm vai kề vai sát cánh với các nước thành viên chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua sóng gió. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN cũngnhưhợp tác với các Đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, đồng thời giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

“Những nỗ lực không mệt mỏi đó của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã mang lại những kết quả bước đầu trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Tôi tin tưởng rằng cùng với các quốc gia bạn bè, đối tác trong và ngoài ASEAN, những nỗ lực của Việt Nam sẽ góp phần nhân rộng những kinh nghiệm tốt, bài học hay để khu vực và quốc tế cùng sớm đẩy lùi đại dịch” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại.

Thái Anh