Tròn 20 mùa xuân “xuống núi”

(Dân trí) - Mỗi khi những cành đào đá trên vùng biên giới ngập ngừng hé nụ, ông Triệu Văn Lĩu, người dân tộc Dao - Trưởng bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại cùng bà con ngược về bản Pù Quăn để bái lễ tổ tiên nhân dịp Tết đến xuân về. Hơn 20 năm trước, được sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng, bà con dân bản rủ nhau “xuống núi” lập nên bản mới mang tên Hạ Sơn.

Rủ nhau “xuống núi” lập nghiệp

Với bà con bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát thì đây đã là mùa xuân thứ 20 kể từ khi “xuống núi” để xây dựng cuộc sống mới. Năm nào cũng vậy, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, người dân bản Hạ Sơn lại “ngược núi” thăm hỏi, tặng quà các gia đình đặc biệt khó khăn ở quê cũ - Pù Quăn. Đỉnh núi Pù Quăn, cách xa trung tâm xã Pù Nhi gần một ngày đường đi bộ, trước đây, bản Pù Quăn có 46 hộ với 235 khẩu thuộc đồng bào dân tộc Dao. Đây là địa bàn có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, thiếu đất canh tác cùng với nhiều hủ tục lạc hậu, khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Bản Hạ Sơn hân hoan kỷ niệm mùa xuân thứ 20
Bản Hạ Sơn hân hoan kỷ niệm mùa xuân thứ 20

Năm 1987, Đồn biên phòng Pù Nhi đã thành lập một tổ công tác vào bản Pù Quăn cùng ăn, cùng ở; tuyên truyền, thuyết phục đồng bào dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mở lớp dạy xóa mù chữ, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt. Tuy nhiên, sau 10 năm, đời sống của bà con cũng chỉ thoát đói chứ chưa thể thoát nghèo, cũng bởi do dân số ngày càng tăng khiến Pù Quăn rơi vào cảnh đất chật, người đông. Đến năm 1997, Pù Quăn đã có 72 hộ với 378 khẩu, nhưng diện tích đất canh tác chưa đầy 10 ha.

Hàng ngày cùng ăn, cùng ở, chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào, những người lính mang quân hàm xanh ở Pù Nhi ngày ấy đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương tuyên truyền, vận động bà con ở Pù Quăn chuyển xuống sinh sống ở khu vực hai bên quốc lộ 217, nằm giữa trung tâm xã Pù Nhi và thị trấn huyện Mường Lát, lấy tên bản là Hạ Sơn.

Vốn sinh sống trên các vùng núi cao, những tập tục, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, nên việc thuyết phục bà con thực hiện chủ trương này quả là không đơn giản. Tuy nhiên, bằng tình cảm gắn bó và lòng kiên nhẫn, mùa xuân năm 1997, đã có 5 hộ với 23 khẩu ở Pù Quăn đồng ý “xuống núi” sinh sống, trong đó có gia đình ông Triệu Văn Lĩu, nay là Trưởng bản Hạ Sơn và ông Phan Văn Cấu, nay là Bí thư Chi bộ bản Hạ Sơn.

Tròn 20 mùa xuân “xuống núi” - 2
Những thiếu nữ người Dao hồi hộp trong ngày vui của bản
Những thiếu nữ người Dao hồi hộp trong ngày vui của bản

Ông Phan Văn Cấu - Bí thư Chi bộ bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung tay giúp sức của bộ đội Biên phòng, ban đầu chỉ có 5 hộ chuyển xuống Hạ Sơn và nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bà con được hưởng lợi từ các công trình phục vụ đời sống dân sinh như điện, đường, trường học, trạm y tế và có điều kiện giao lưu mua bán sản phẩm mình làm ra. Biết được tin vui nên nhiều hộ từ Pù Quăn tiếp tục tình nguyện “xuống núi” lập nghiệp. Năm 2002, bản Hạ Sơn chính thức thành lập với 17 hộ, 86 nhân khẩu”.

Bên cạnh tích cực tham mưu, tham gia cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành đoàn thể quy hoạch, bố trí ổn định nơi ở cho dân bản Hạ Sơn, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Pù Nhi còn giúp đồng bào khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác, tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng ; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng theo mô hình của các Đồn biên phòng.

Một mũi tên trúng hai đích

Sau gần 20 năm “xuống núi” xây dựng cuộc sống mới, đến nay, với 48 hộ, 228 nhân khẩu, bản Hạ Sơn đang có 193 ha đất canh tác, trong đó, có hơn 10 ha trồng lúa nước và 20 ha trồng cây ngô lai 2 vụ. Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 1.500 con chủ yếu là trâu, bò, dê, lợn, gà.

Các chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra biên giới
Các chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra biên giới

Bên cạnh đó, bà con còn có nghề gia truyền bốc thuốc chữa bệnh. Từ khi xuống gần trung tâm xã sinh sống, thông tin liên lạc và giao thông thuận lợi, bà con bản Hạ Sơn có được điều kiện quảng bá nghề bốc thuốc gia truyền và tiếp cận người bệnh được nhiều hơn. Không chỉ phát triển kinh tế, bà con đi hái thuốc còn là tai mắt cho bộ đội Biên phòng khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn tội phạm và vi phạm đường biên mốc giới.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Pù Nhi; cùng với sự cần cù chịu khó và biết phát huy tốt sức mạnh nội lực, đến nay, Hạ Sơn là bản giàu mạnh nhất của xã Pù Nhi. Không chỉ kinh tế phát triển mà chính trị luôn được giữ vững và phát triển mạnh. Đến nay, bản Hạ Sơn có 10 Đảng viên luôn phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, có uy tín trước nhân dân...Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới luôn được phát huy mạnh mẽ.

Bà con dân bản chính là tai mắt của bộ đội Biên phòng
Bà con dân bản chính là tai mắt của bộ đội Biên phòng

Thượng tá Phan Văn Thân - Đồn trưởng Đồn biên phòng Pù Nhi cho biết: “Chủ trương này như một mũi tên trúng hai đích, bên cạnh thành quả đáng mừng của Hạ Sơn, chủ trương di dân, tách bản 20 năm qua còn giúp cho Pù Quăn giảm bớt gánh nặng dân số, đồng bào có thêm đất để trồng trọt, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập. Chưa có điện lưới và chưa được giàu mạnh như Hạ Sơn, nhưng Pù Quăn hôm nay cũng đang từng bước được khởi sắc. Với 49 hộ 245 khẩu, Pù Quăn đã có đường bê tông lớn vào đến bản, 100% số hộ được dùng thủy điện nhỏ và có xe máy. Năm 1997, tỷ lệ hộ đói nghèo ở Pù Quăn là trên 90%, thì đến nay chỉ còn 28% theo tiêu chí mới.

Một mùa xuân mới nữa lại đến, năm nay, bà con dân bản Hạ Sơn tưng bừng đón xuân tuổi 20. Những tiết mục văn nghệ giản dị mà đầm ấm, những bài hát, điệu múa ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình cảm quân dân, tình yêu đôi lứa, khiến cho ai nấy đều cảm nhận được mùa xuân đang ngập tràn sức sống với biết bao niềm tin, hy vọng tốt đẹp của một năm mới Đinh Dậu nhiều thắng lợi mới.

Duy Tuyên - Quang Huy