Bình Định:

Trở lại chiến trường xưa, tình cờ tìm được mộ cháu

(Dân trí) - Sau 50 năm trở lại chiến trường xưa, ông Úc như vỡ òa trong niềm vui sướng khi tình cờ phát hiện mộ người cháu ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ngay trên chiến trường năm xưa ông từng chiến đấu.


Người lính ấy là ông Nguyễn Hữu Úc (quê ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) từng chiến đấu ở đơn vị Trung đoàn An Lão của Sư Đoàn 3 Sao vàng góp phần giải phóng huyện An Lão vào ngày 7/12/1964. Phần mộ người cháu tình cờ ông tìm được là liệt sĩ Lê Quang Huy, hy sinh vào ngày 3/2/1975, đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện An Lão.

Bật khóc khi thấy mộ cháu

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão (ngày 7/12/1964 - 7/12/2014), ngày 1/9, đông đảo cán bộ chiến sĩ, cán bộ lão thành cách mạng, các cựu quân nhân từng tham gia chiến đấu tại chiến trường huyện An Lão (tỉnh Bình Định) ở khắp mọi miền đất nước có dịp về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện An Lão, thắp nén hương tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ người đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trở lại chiến trường xưa, tình cờ tìm được mộ cháu
Ông Úc quê ở Hà Nam tình cờ thấy mộ cháu mình trong chuyện trở về thăm chiến trường xưa tại huyện An Lão (tỉnh Bình Định)

Sau 50 năm quay lại chiến trường xưa, những người lính năm xưa nay đã đầu bạc, có người đã mất vì tuổi già, có người không về được vì tuổi cao… Thế nhưng, ở các anh vẫn mãi một ký ức không bao giờ quên.

Trong các đoàn về dâng hương, nhiều cựu chiến binh ghi chép tên tuổi đồng đội cũ, những người cùng quê để về báo cho người thân ở quê nhà. Sự diệu kỳ đến ngẫu nhiên, trong lúc thắp nén hương lên các phần mộ liệt sĩ, ông Úc không khỏi ngỡ ngàng trên phần mộ là tên cháu mình là liệt sĩ Lê Quang Huy hy sinh vào ngày 3/2/1975 tại Nghĩa trang huyện An Lão.

Trong niềm vui, ông Úc xúc động chia sẻ: “Vậy mà gần 40 năm qua gia đình chúng tôi chẳng biết cháu hi sinh ở đâu. Cha mẹ cháu mất sớm chỉ còn có anh trai nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên không có điều kiện để đi tìm em. Không ngờ giờ đây lại tình cờ tôi lại tìm được nơi cháu an nghỉ. Cảm ơn chính quyền và nhân dân huyện An Lão đã cho cháu tôi nơi an nghĩ, lo hương khói. Lần này về quê tôi báo tin cho anh trai nó để chưa cháu về quê nhà yên nghỉ.

Xúc động gặp lại đồng đội sau 50 năm

Sau 50 năm, những cựu chiến binh từng góp phần giải phóng huyện An Lão, đưa 11.000 người dân thoát khỏi sự áp bức của bọn Mỹ - Ngụy có dịp về lại chiến trường xưa để thắp nén hương cùng lời trị ân sâu sắc cho các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để giải phóng quê hương An Lão Anh hùng.

Những người đồng đội sau 50 năm gặp lại nơi chiến trường ác liệt
Những người đồng đội sau 50 năm gặp lại nơi chiến trường ác liệt

Trong niềm tự hào, cựu chiến binh Bùi Thọ Tăng đơn vị đại đội 1, tiểu đoàn 3, Công Trường 2 (Sau này là đơn vị Sư 3 Sao vàng) quê ở tỉnh Quảng Trị nhớ lại: “Đêm ngày 7 sáng ngày 8/12/1964, nhận được lệnh cấp trên đánh địch chi viện từ huyện Bồng Sơn lên An Lão, khi đến đoạn Đồi Gò giáo, địch dừng lại và cho 6 chiếc Tăng, Thiết giáp lên thăm dò, lúc này, địch lọt vào trận địa phục kích của ta, đồng chí Bùi Thọ Tăng chỉ huy cùng với 3 khẩu đội ĐKZ 57 trực tiếp bắn tiêu diệt 6 xe tăng, thiết giáp của địch, địch hoản loạn rút chạy về huyện lỵ Hoài Nhơn.

Ông Đỗ Thành Công (83 tuổi, ở TP Đà Nẵng) thuộc đơn vị đặc công 409 năm xưa xúc động nói: “50 năm trở lại những tình cảm, hình ảnh bộ độ, cán bộ, chỉ hủy còn lại không bao giờ quên công ơn của Đảng, chính quyền và nhân dân huyện An Lão đã đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, tình cảm giữa quân và dân như cá với nước. Khi ấy dưới sự kìm kẹp của Mỹ - Ngụy nhân dân vô cùng cực khổ. Thế nhưng, quan trọng khi ấy là nhân dân, cán bộ huyện An Lão đã giữ được bí mật tuyệt đối, nắm chắc tình hình. Khi thời cơ chín muồi quân ta đồng loạt nổ súng giải phóng hoàn toàn An Lão, người dân thoát khỏi sự đàn áp của địch”.

Những người đồng đội sau 50 năm gặp lại nơi chiến trường ác liệt
Sau 50 năm ông Công (giữa) quê tận Đà Nẵng mới có dịp vào Bình Định cùng các đồng đội thăm ôn lại kỷ niệm thời đạn bom 

Nói về chiến thắng giải phóng An Lão, cựu chiến binh Lương Đình Khâm (74 tuổi, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người tham gia chiến dịch khẳng định: “Cho dù quân địch với vũ khí hiện đại nhưng quân dân ta đồng lòng quyết tâm tiêu diệt địch. Lấy ít thắng nhiều là chiến thuật của quân đội ta. Ở mỗi trận đánh mình phải biết chớp thời cơ, khi địch đang hỗn loạn thì bám lấy “thắt lưng”chúng mà đánh…”.

Giờ đây, sau bao nhiêu năm được trở lại chiến trường xưa, những cựu chiến binh như ông Tăng, ông Công, Khâm… vui mừng, hạnh phúc khi thấy sự thay da đổi thịt của một vùng đất anh hùng từng bị Mỹ - Ngụy đàn áp năm nào.

Doãn Công