Hòa Bình:

Triệu tập cuộc họp bàn cách dẹp nạn cát tặc trên sông Đà

(Dân trí) - Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì cuộc họp bàn giải quyết dứt điểm các "điểm nóng" khai thác khoáng sản (cát sỏi) trái phép trên địa bàn và hạ lưu sông Đà. Lãnh đạo các địa phương, sở ban ngành có liên quan đều được triệu tập đến họp.

"Cát tặc" tung hoành khắp nơi

Theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình hiện có 75 dự án khai thác khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép. Riêng đối với dự án khai thác cát sỏi, có 3 dự án được cấp phép với tổng vốn 71,2 tỉ đồng gồm: Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến; Công ty Cổ phần Khoáng sản SAHARA và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Xuân Thành.

Trong số 3 dự án khai thác trên có 2 dự án khai thác tại lòng sông Đà (địa bàn xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kì Sơn và xã Trung Minh thành phố Hòa Bình) và một dự án khai thác lòng sông Bôi (huyện Lạc Thủy). Cả 3 dự án đều phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng ba loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng khai thác cát diễn biến phức tạp đặc biệt là ở hạ lưu sông Đà, hai doanh nghiệp SAHARA và Hùng Yến đã khai thác vượt phép, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, số ngân sách thu được không đáng kể so với khối lượng khai thác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đặc biệt có nguy cơ sạt lở các công trình đê, kè.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cuộc họp dẹp bỏ nạn cát tặc trên địa bàn vào chiều 22/5.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cuộc họp dẹp bỏ nạn "cát tặc" trên địa bàn vào chiều 22/5.

Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh báo cáo, thời điểm tháng 4/2017 số lượng khai thác cát của Công ty Cổ phần Khoáng sản SAHARA khai thác vượt quá nhiều lần được cấp phép, số lượng tầu cuốc xà lan đến khai thác cát có nhiều ngày gần như kín sông.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định, hai doanh nghiệp thực hiện “quá kém” trong việc khai thác cát theo giấy phép, mặc dù đã được nhiều lần chấn chỉnh xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cũng không tiến triển. Tình trạng khai thác cát tại địa bàn huyện Kỳ Sơn đã nằm ngoài khả năng quản lý vượt quá tầm kiểm soát cấp huyện, mặc dù các cơ quan ở địa phương đã nỗ lực vào cuộc.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đề xuất, cần có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát có phép phải đăng ký tầu thuyền, đăng ký logo riêng để người thực thi có cơ sở kiểm tra bắt dữ tầu vi phạm. Đề nghị, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo giấy phép thì rút giấy phép hoạt động khai thác cát.

Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết sách dẹp "cát tặc"

Theo ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, trước đó trên địa bàn hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh doanh nghiệp SAHARA và Hùng Yến khai thác cát gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và nguy cơ sạt lở bờ sông. Sở đã xử phạt vi phạm hành chính mỗi đơn vị 50 triệu đồng. Thế nhưng hai doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm.

Đặc biệt, ngày 19/5 tổ công tác xuống địa bàn kiểm tra xử lý, sau khi tiếp xúc với người dân và chính quyền cơ sở, chiều cùng ngày đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, quyết định tạm đình chỉ việc khai thác của hai doanh nghiệp từ 6h chiều 19/5 đến khi có chỉ đạo tiếp theo và yêu cầu di chuyển tất cả các tàu rời khỏi khu vực khai thác.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ: Cần tăng cường quản lý nhà nước về việc khai thác cát sỏi trên địa bàn. Ở vùng hạ lưu sông Đà đã hạn chế được tình trạng khai thác cát trái phép nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ khai thác cát trở lại bất cứ lúc nào. Người đứng đầu các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình.

Người dân tập chung yêu cầu cơ quan chức năng dẹp bỏ tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian dài trên sông Đà.
Người dân tập chung yêu cầu cơ quan chức năng dẹp bỏ tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian dài trên sông Đà.

UBND tỉnh Hòa Bình thống nhất tạm dừng khai thác cát sỏi ở vùng hạ lưu sông Đà từ ngày 22/5 đến hết 10/6/2017. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT chủ trì, cùng với lãnh đạo các ngành vào cuộc làm việc với hai doanh nghiệp SAHARA và Hùng Yến, xác định hai đơn vị chấp hành giấy phép đầu tư trong thời gian qua, xác lập hồ sơ vị phạm của hai đơn vị doanh nghiệp.

Ông Quang cũng khẳng định, việc người dân khai thác cát trái phép, việc hai doanh nghiệp khai thác cát không đúng quy định trong giấy phép, qua đó đã gây hậu quả làm nhân dân bức xúc, do chúng ta xử lý không tốt ảnh hưởng đến trật tự an ninh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành có trách nhiệm liên quan đến khai tác cát sỏi ở vùng hạ lưu sông Đà. Cụ thể, các ngành phải chủ động phối hợp nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết xử lý báo cáo UBND tỉnh trước ngày 6/6/2017.

Giao Sở TN-MT phải kiện toàn lại nhân lực tổ liên ngành kiểm tra khai thác khoáng sản hạ lưu Sông Đà đã có sẵn. Tham mưu đề xuất thành lập thêm tổ công tác liên ngành mới có đủ các thành phần, tổ làm công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý các các cá nhân doanh nghiệp, tầu bè vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (cát) khu vực hạ lưu sông Đà đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Chủ tịch UBND các xã phải tổ chức tuyên truyền đến người dân về quy hoạch, quy định khai thác cát sỏi của tỉnh, thực hiện chức năng giám sát mọi hoạt động về khi thác cát ở hạ lưu sông Đà

Được biết, sáng 23/5 UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản gửi các đơn vị có trách nhiệm, người dân và doang nghiệp, để nắm được thực hiện, theo dõi giám sát việc khai thác cát trên địa bàn. Đồng thời, UBND tỉnh này cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp thực hiện việc chấn chỉnh xử lý khai thác cát trên sông Đà đoạn giáp ranh 2 tỉnh.

Đàm Quang - Thái Bá