Trí thức Việt Nam mong đợi gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT?

(Dân trí) - Việc Bộ GD-ĐT vừa có tân Bộ trưởng đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhất là đối với giới trí thức. Bên cạnh sự kỳ vọng lớn lao vào tân Bộ trưởng, giới trí thức Việt Nam còn chia sẻ những khó khăn, hiến kế và hi vọng ông sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho nền giáo dục nước nhà.

Xây dựng một triết lý giáo dục chuẩn - TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm VPQH

 

Từ hiện trạng của nền giáo dục hiện nay, ông có kỳ vọng gì về tân Bộ trưởng?

 

Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, không ai ghen tị với cương vị Bộ trưởng cả. Vì đây là một trọng trách rất lớn và rất khó, dám nhận trọng trách này phải là người rất có bản lĩnh về chính trị. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay giống như một con tàu đang chìm dần, khả năng nâng con tàu đó lên không nhiều, còn khả năng chìm theo con tàu đó cũng rất lớn.

 

Nếu đánh giá về vị Bộ trưởng mới, điều đầu tiên phải ghi nhận đó là một người  dũng cảm, hơn nữa, tôi có nhiều hy vọng về vị Bộ trưởng này. Tôi được biết, tân Bộ trưởng từng là người có nhiều kinh nghiệm về giáo dục nhưng không bị sức ỳ của giáo dục đè nặng, có nền tảng tốt, có tầm nhìn rộng mang tầm quốc tế, cộng với ý chí tinh thần dũng cảm nói trên, cảm giác chung của tôi là rất phấn khởi và kỳ vọng nhiều.

 

Tân Bộ trưởng nói rằng, trong 10 năm tới, giáo dục sẽ có những bước tiến mới, ông thấy điều này có cơ sở?

 

Tân Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nguyên là Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Ông Nhân là giáo sư kinh tế, tiến sĩ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng, là đại biểu Quốc hội Khóa X. Ông sinh năm 1953, quê huyện Châu Thành, Trà Vinh.

Về quỹ thời gian (tuổi tác), nếu không có gì thay đổi, chắc tân Bộ trưởng này sẽ còn công tác 10 năm nữa. Đây là một khoảng thời gian tương đối hiện thực, nếu để thay đổi cả một hệ thống thì chưa phải là dài, chúng ta đã có những tồn tại trong nền giáo dục hàng chục năm. Mặt khác, 10 năm cũng là quá dài, bởi thế giới đang thay đổi từng ngày, chúng ta đang sống trong thế giới chuyển động rất nhanh. Đòi hỏi về hội nhập, về cạnh tranh toàn cầu, kinh tế tri thức, cuối năm nay gia nhập WTO…

 

Nói như vậy để thấy rằng với đòi hỏi của cuộc sống và khả năng thực tế chuyển đổi hệ thống xung đột với nhau rất nghiêm trọng và khả năng của con người vốn chỉ có hạn. Để thay đổi cả một thiết chế xã hội sẽ khó khăn vì thiết chế nào cũng vậy, đó là hành vi của con người.

 

Để đổi mới, theo ông, tân Bộ trưởng nên bắt đầu từ đâu?

 

Nên bắt đầu xây dựng một triết lý giáo dục chuẩn, một triết lý phản ánh được nhu cầu của thời đại, hội nhập. Tiếp đó, cần có một kế hoạch hành động phản ánh triết lý đó.

 

Tôi cũng phải nói rằng giáo dục là một vấn đề rất khó, trong khi đó ai cũng biết về giáo dục nhưng mỗi người một ít, giống như thầy bói xem voi. Người nào cũng cho quan điểm của mình là đúng. Cái khó của giáo dục là ai cũng biết một chút và đều muốn có ý kiến. Vấn đề ở đây, Bộ trưởng phải biết cân nhắc và ưu tiên.

 

Cần có một tuyên ngôn - GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐHSP HN

 

Trí thức Việt Nam mong đợi gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT? - 1

GS.TS Đinh Quang Báo

Cái yếu của giáo dục Việt Nam là chúng ta thiếu những triết lý khoa học rõ ràng trong việc phát triển. Lâu nay, chúng ta vẫn làm theo kinh nghiệm chủ nghĩa, như vậy sẽ không bao giờ chúng ta đạt được mong muốn là theo kịp nền giáo dục hiện đại.

 

Tôi mong mỏi lãnh đạo, đặc biệt là tân Bộ trưởng sẽ có những tuyên bố về những triết lý phát triển giáo dục, hay nói cách khác là cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề hiện nay, đó là giải quyết mâu thuẫn giữa chất lượng - điều mà xã hội không hài lòng và sự phát triển về quy mô đáp ứng được yêu cầu nhân lực và nhu cầu học tập của nhân dân.

 

Âm thầm chịu đựng là một sai lầm - G.S Hoàng Xuân Sính

 

Trí thức Việt Nam mong đợi gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT? - 2

G.S Hoàng Xuân Sính

Tôi không ngại mà nói rằng, lĩnh vực giáo dục bây giờ nhìn vào đâu cũng thấy bức xúc. Nguyên nhân là do đâu? Theo tôi, đó là sự tồn đọng của nhiều năm trong quá khứ. Tôi rất thông cảm với những Bộ trưởng trước đây là dù chúng ta nghèo, điều kiện khó khăn nhưng vẫn mong muốn giáo dục phải là bông hoa đẹp của CNXH. Chúng ta đã rất cố gắng để đưa giáo dục đi lên nhưng thực lực chúng ta không có.

 

Trong điều kiện khó khăn như vậy, chúng ta đã phổ cập bậc tiểu học, trung học cơ sở, rồi lại muốn đại trà THPT và muốn nhiều người dân được học đại học. Để làm được những việc này, các nước khác phải mất hàng trăm năm còn mình thì đốt cháy giai đoạn, và hậu quả là điều đương nhiên.

 

Tôi biết có nhiều vấn đề Bộ không bao giờ dám công bố mà chỉ đứng giữa âm thầm chịu đựng. Đó là một sai lầm. Tôi không biết  tân Bộ trưởng có dám nói rõ những khó khăn của giáo dục, dám chấp nhận sự thật và phải nói cho toàn dân hiểu, và phải nói rõ rằng kinh tế có phát triển là nhờ vào giáo dục...

 

Tốt nhất Bộ trưởng nên mở ra các cuộc thảo luận rộng rãi, lắng nghe ý kiến từ nhiều người và đối mặt với sự thật, phải có sự đóng góp của toàn xã hội chứ không chỉ phụ thuộc vào một cơ quan, một viện nghiên cứu nào đó.

 

Đối với cá nhân bộ trưởng, tôi cho rằng phải mở mình ra. Tôi có cảm giác trong cách đối xử của Bộ trưởng với các nhà khoa học, các nhà giáo dục ngày càng khép kín. Ví dụ, cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu luôn cho phép tôi gõ cửa phòng ông bất cứ lúc nào. Thậm chí, có thể đến nhà để trao đổi. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cũng thế.

 

Nhưng về sau này, muốn gặp Bộ trưởng rất khó, phải qua cửa này, cửa khác. Nếu các Bộ trưởng cứ đối phó với dân kiểu như thế sẽ không giải quyết được vấn đề.

 

Mười năm đó là một cam kết! - PGS.TS Chu Hảo, GĐ - TBT NXBTri thức

 

Trí thức Việt Nam mong đợi gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT? - 3

PGS.TS Chu Hảo

Chúng tôi rất mừng cho ngành Giáo dục đã có một vị Bộ trưởng mới, được dư luận xã hội nói chung đánh giá cao, bản thân tôi cũng đánh giá rất cao năng lực cũng như tư chất của người lãnh đạo đã từng nổi tiếng ở TPHCM. Tôi nghĩ rằng nhận chức vụ này, Bộ trưởng rất dũng cảm, chúng tôi rất trân trọng sự dũng cảm đó và tin rằng Bộ trưởng sẽ đủ bản lĩnh xứng đáng với vị trí của mình.

 

Mong đợi của xã hội đối với Bộ trưởng rất nhiều, hy vọng Bộ trưởng sẽ có một chương trình hành động dài hơi như Bộ trưởng đã nói: Mười năm tới giáo dục nước ta sẽ khác. Câu nói đó hàm ý Bộ trưởng sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu và chương trình hành động mà ông ấy đã hoạch định. Tuy không thành văn nhưng tôi nghĩ đó là cam kết của Bộ trưởng. Nói như vậy có nghĩa là Bộ trưởng đã suy nghĩ rất kỹ và đã thể hiện thái độ.

 

Nếu Bộ trưởng có bộ phận tham mưu, giúp việc tốt, có sự cầu thị, có thái độ trách nhiệm, tôi nghĩ ông sẽ tự tìm được những “huyệt” nào cần phải bấm ngay. Chắc chắn sẽ có vài “huyệt” để bấm ngay. Còn nếu trong 100 ngày không tìm thấy “huyệt” , sẽ rất khó khăn cho sau này.

 

Năm vấn đề cần làm ngay - GS.VS Phạm Minh Hạc

 

Trí thức Việt Nam mong đợi gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT? - 4

GS.VS Phạm Minh Hạc

Thứ nhất là là mau chóng lập lại kỷ cương, trật tự trong nhà trường. Thứ hai là sắp xếp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40.

 

Thứ ba là giải quyết ngay một số vấn đề nóng bỏng làm yên lòng dân, khôi phục niềm tin của xã hội và phụ huynh vào nhà trường, nhà giáo và các cán bộ làm công tác quản lý giáo dục như vấn đề: Sách giáo khoa, đánh giá việc thi cử, dạy thêm học thêm, dân đóng góp.

 

Thứ tư là vấn đề quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Thứ năm là điều kiện để thực hiện ngân sách, dự án cho giáo dục.

 

Cả 5 vấn đề này đều rất bức xúc, để làm được đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm được căn cứ khoa học và tình hình thực tiễn đến một mức độ nào đó.

 

Thái Sơn

(Thực hiện)