1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Treo biển “tuyển vợ hiền”: Xúc phạm nghiêm trọng người vợ hợp pháp!

(Dân trí) - Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao và có nhiều phản ứng trái chiều trước việc một người đàn ông ở đường Láng (Hà Nội) dù đã có vợ con vẫn treo biển “Tuyển vợ hiền” trên phố. Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Nguyên Cường - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng đây là hành động "không thể chấp nhận được".


Một người đàn ông 50 tuổi dù đã có gia đình nhưng vẫn đăng biển tuyển vợ hiền với yêu cầu biết đọc, biết viết, biết nghe, ngoại hình ưa nhìn... (Ảnh Báo Đất Việt)

Một người đàn ông 50 tuổi dù đã có gia đình nhưng vẫn đăng biển "tuyển vợ hiền" với yêu cầu biết đọc, biết viết, biết nghe, ngoại hình ưa nhìn... (Ảnh Báo Đất Việt)

Thưa bà, dưới góc nhìn của chuyên gia bình đẳng giới, việc một người đàn ông treo biển tuyển vợ trong thời điểm hiện nay được hiểu ra sao?

Tôi có xem qua thông tin và cả clip phỏng vấn người đàn ông này về việc tuyển vợ trên các báo điện tử mấy ngày qua. Đây là hành động lạ lùng và không thể chấp nhận được, dù cho ông ta ở hoàn cảnh nào đi nữa. Nhất là khi người đàn ông đó vẫn đang có quan hệ hôn nhân theo pháp luật.

Quan hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Với hành động này, ông ta đang xúc phạm nghiêm trọng người đang là vợ hợp pháp của ông ta.

Vậy giả sử có một người phụ nữ sau khi xem thông báo tuyển vợ đồng ý sống như vợ chồng với người đàn ông đó; việc này sẽ vi phạm những quy định pháp luật gì, thưa bà?

Trong trường hợp có một người phụ nữ đồng ý sống như vợ chồng với người đàn ông kia thì cả hai đều vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể, việc này sẽ vi phạm vào Điều 5 khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình về các hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Trong nhiều năm theo dõi lĩnh vực bình đẳng giới, bà có cho rằng hành vi này chỉ mang tính cá biệt?

Qua thông tin ban đầu cho thấy, ông này cũng chỉ coi người vợ như người phục vụ, như một món đồ thuộc sở hữu của mình. Bởi vậy, người này cho rằng “không bỏ mà chỉ lấy thêm”.

Cũng phải nói thật, qua các hoạt động bảo vệ bình đẳng giới, tôi đã từng được nghe nhiều lần ở các đấng đàn ông khác nhau thể hiện cách nói như thế này. Tuy nhiên, cách thể hiện ra như lời nói bông đùa.

Điều này cũng cho thấy một định kiến giới tồn tại khá phổ biến trong xã hội.

Theo tôi, cách hành xử “Tuyển vợ hiền, biết đọc biết viết, biết nghe” có căn nguyên từ quan niệm định kiến giới, bất bình đẳng về giới. Theo đó, hình ảnh người vợ bị nhìn nhận sai lệch: Chỉ là tì thiếp, con ở và luôn phải tuân theo mọi ý chỉ của chồng…

Về phương diện đạo đức đã thấy không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc treo biển tuyển vợ của người đàn ông này đã từng xảy ra trước đó và bây giờ lại lặp lại càng cho thấy sự xúc phạm nghiêm trọng người vợ hiện tại một cách có hệ thống, không hiểu biết pháp luật…

Xin cảm ơn bà!

Khoảng 1 tuần trước, trước cửa một ngôi nhà trên đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội bất ngờ xuất hiện một tấm biển “Tuyển vợ hiền” thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Nội dung tấm biển ghi rõ: Tuyển vợ hiền. Yêu cầu biết nhìn, biết đọc, biết viết, biết nghe, ngoại hình ai nhìn cũng thích. Tôi hỏi cưới ngay.

Qua tìm hiểu được biết chủ nhân của tấm biển tuyển vợ này là ông N.V.V., 49 tuổi. Ông này thừa nhận công khai đăng biển tuyển vợ vì người vợ hiện tại của ông không muốn sống với ông nữa.

Hoàng Mạnh (thực hiện)