Trẻ em bị xâm hại, gia đình kêu khóc mà chính quyền, nhà trường… không biết

(Dân trí) - Một trong những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô cảm của chính quyền, cơ quan, tổ chức dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em phức tạp, nghiêm trọng được Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Đó là phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 27/3.

Trẻ em bị xâm hại, gia đình kêu khóc mà chính quyền, nhà trường… không biết - 1
UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát tình hình trẻ em bị xâm hại.

Con số 1 ngày 7 trẻ em bị xâm hại nói lên nhiều điều

Cập nhật về tình hình trẻ em bị xâm hại, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước” – đoàn giám sát nhận định.

Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất, theo đoàn giám sát, là xâm hại tình dục với gần 6.400 vụ, hơn 6.400 trẻ em là nạn nhân. Trong số này có gần 2.200 em bị hiếp dâm, 31 em bị cưỡng dâm, gần 1.100 em bị dâm ô và hơn 3.100 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại, như TP Cần Thơ 98,8%; Hậu Giang 95,8%; Kiên Giang 95,5%; Bến Tre là 94,6%; Đồng Nai 94,2%.

Những con số trên thậm chí cũng chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận đó là con số của tảng băng nổi.

“Tôi thấy rằng công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa” – ông Hiển day dứt.

Trẻ em bị xâm hại, gia đình kêu khóc mà chính quyền, nhà trường… không biết - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Phó Chủ tịch Quốc hội phản ánh, có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết… Theo đó, ông cho rằng, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu đánh giá kỹ thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở.

“Thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Khi đó chính quyền, cơ quan chức năng mới biết. Báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm” – ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.

Vấn đề nhức nhối chưa được báo cáo 

Nói về các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị tập trung vào nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại để có sự can thiệp, hỗ trợ.

“Báo cáo còn yếu khâu này, chưa thống kê, dự báo được số liệu trẻ em có nguy cơ nên chưa có biện pháp tương xứng” – ông Chiến chỉ ra.

Dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có đến 38 trẻ bị giết, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều.

Ông Phúc lưu ý, báo cáo cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, từ trách nhiệm quản lý nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đoàn giám sát bổ sung, hoàn thiện một số nội dung trong các phần báo cáo và phụ lục trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 9.

Ông Lưu cho biết, UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả những nơi bình yên nhất là gia đình hay trường học.

“Đó là vấn đề nhức nhối mà con số như báo cáo đưa ra chưa phản ánh hết được tình hình hiện nay” – ông Lưu nói và cho rằng đây không phải nhận định chủ quan mà căn cứ số liệu qua các giai đoạn, từng năm. Do đó, theo ông  Lưu, nếu không làm tốt, tình hình còn phức tạp nữa.

Nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, ông Lưu cho biết, Hiến pháp đã  nói rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội. “Nếu 3 trụ cột này không phát huy đầy đủ thì công tác này không bao giờ tốt” – Phó Chủ tịch Quốc hội chốt lại.

Phương Thảo