1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trao quyền chọn nhận bảo hiểm 1 lần hoặc chờ đến tuổi hưu cho người lao động

(Dân trí) - Người lao động sẽ không bắt buộc phải bảo hưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để chờ đóng đủ tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu khi hết tuổi làm việc, mà có thể yêu cầu thanh toán bảo hiểm 1 lần sau khi nghỉ việc, không tiếp tục đóng bảo hiểm…

Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Nghị quyết số 93 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua.

Trình bày nội dung cơ bản của Nghị quyết số 93, bà Lê Thị Nguyệt - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Nghị quyết khẳng định, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo đúng Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc người tham gia bảo hiểm tự nguyện chưa đủ 20 năm đóng mà sau 1 năm không tiếp tục đóng nữa thì khi có yêu cầu sẽ được thanh toán bảo hiểm 1 lần.

Mức hưởng bảo hiểm 1 lần đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính là 1,5 tháng lương (mức tiền lương đóng bảo hiểm) cho những năm đóng trước 2014 và tính là 2 tháng lương  cho những năm đóng từ 2014 trở đi.

Mức hưởng bảo hiểm 1 lần đối với người mua bảo hiểm tự nguyện được tính theo số năm đã mua bảo hiểm, với mức tính giống như người tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện nghị quyết, khi cần thiết thì trình Quốc hội sửa luật Bảo hiểm xã hội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 tới đây, cùng với thời điểm luật Bảo hiểm xã hội 2014 được chính thức áp dụng.

Chính thức “hoãn” điều luật không cho người lao động nhận bảo hiểm 1 lần
Ủy viên UB Các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt giải thích Quốc hội không sửa Điều 60 luật Bảo hiểm Xã hội 2014. 

Nói về việc Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa có hiệu lực thi hành đã gặp phản ứng và phải “hoãn” việc thực hiện quy định bằng Nghị quyết 93, bà Lê Thị Nguyệt giải thích, quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý luật, cơ quan này đã tham vấn các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam. Các đơn vị này đều khuyến nghị cần thu hẹp đối tượng hưởng chính sách nhận bảo hiểm 1 lần vì hầu hết các nước trên thế giới đã đi theo xu hướng này để thực hiện chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho nhận bảo hiểm 1 lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo (giống như quy định tại Điều 60 đã đụng phản ứng vừa qua).

Ngay cả các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân hầu hết cũng không khuyến khích người lao động rút các khoản đóng góp trước tuổi 55 hoặc chỉ cho phép rút một tỷ lệ hạn chế để đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trước mắt nhưng phải trích từ Quỹ Phòng xa, Quỹ Hưu trí bổ sung hoặc các chương trình bảo hiểm hưu trí theo ngành nghề để đảm bảo khả năng người lao động không gặp rủi ro khi về già không có lương hưu và chăm sóc y tế. Một số người theo hệ thống này cũng đang điều chỉnh thu hẹp dần các điều kiện nhận bảo hiểm 1 lần để hướng tới mục tiêu an sinh lâu dàu cho người lao động phù hợp với xu hướng già hoá dân số đang gia tăng.

Tuy nhiên, không “thông” với những dự tính “về lâu về dài” này, người lao động ở khu vực phía Nam đã ngừng việc tập thể phản đối thực hiện Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội mới dù quy định còn chưa có hiệu lực thi hành, yêu cầu vẫn thực hiện như quy định hiện hành, cho phép người lao động được lựa chọn nhận bảo hiểm 1 lần hoặc “để dành” đến tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, cuối tháng 3/2015, công nhân Cty Pou Yuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan) có trụ sở tại quận Bình Tân, TPHCM tổng cộng 87.000 người lao động đã ngừng việc. Việc này sau đó đã lan sang một số công ty ở TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh.

Trên quan điểm xem xét nguyện vọng của người lao động, nhất là trong điều kiện việc làm của người công nhân còn chưa ổn định, cuộc sống còn gặp khó khăn, việc chờ đến tuổi hưu mới được lĩnh bảo hiểm là cứng nhắc, thiếu linh hoạt, khó khả thi, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh lại Điều 60.

Các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường về việc này, nhiều đại biểu Quốc hội (nhất là các đại biểu đoàn TPHCM) đã nói lời xin lỗi cử tri, người dân. Các đại biểu cũng bày tỏ, bản thân cảm thấy xấu hổ khi chưa quan tâm đầy đủ nguyện vọng của người lao động cũng như thực tế đời sống (mức lương hưu bảo hiểm nhận được nếu có cố đóng bảo hiểm vài chục năm cũng rất thấp, khó sống – PV) trong quá trình thảo luận cũng như bấm nút thông qua luật Bảo hiểm xã hội 2014 với quy định xa vời so với thực tiễn.

Dù vậy, đa số đại biểu vẫn tán thành quan điểm cần hạn chế việc cho nhận bảo hiểm 1 lần để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động như quy định tại Điều 60. Theo đó, một con số được dẫn ra, hiện tại mỗi năm ngân sách phải chi 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống cho những người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, dù mức chi chỉ là 180.000 đồng/tháng. Tới đây, khi mức chi tăng lên 270.000 đồng/tháng, với khoảng 1,5-2,5 triệu người lao động muốn nhận bảo hiểm 1 lần trước tuổi nghỉ hưu (về già sẽ không có lương hưu) thì không chỉ rủi ro với nhóm lao động đó rất lớn mà áp lực phải dành ngân sách chi cho việc hỗ trợ số người này khi cao tuổi dự kiến phải tăng gấp 2-3 lần.

Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua không sửa Điều 60 nhưng đã thông qua Nghị quyết để điều chỉnh theo hướng thêm lựa chọn cho người lao động bên cạnh hướng quy định tại điều luật này.

P.Thảo