Trao giải cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam”

(Dân trí) - Lễ trao giải cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam lần thứ nhất 2014” đã được tổ chức sáng 21/12 tại Hà Nội.

Một số tác phẩm dự thi Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam
Một số tác phẩm dự thi "Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam"

Nhằm giúp các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình hình biển đảo, cũng như những vấn đề chính trị, chứng cứ pháp lý, địa lý… khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Người đưa tin thực hiện cuộc thi ''Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam lần thứ nhất 2014".

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật, Thành viên hội đồng Chung khảo cho biết trong 5 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hàng ngàn bài dự thi gửi qua hòm thư điện tử, bưu điện và mang trực tiếp đến Toà soạn. Trong đó đặc biệt có những bài viết khá xúc động của những em học sinh, có em mới chỉ học Lớp 7, những công trình nghiên cứu công phu của các tập thể sinh viên thuộc Học viện An ninh Nhân dân, hay một công trình kỳ công viết tay dày 500 trang giấy A3 của một cựu chiến binh 70 tuổi… Tất cả đều toát lên tình yêu biển đảo vô bờ bến của nhân dân Việt Nam và nguyện đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

T.S Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia của Chính phủ, thành viên Hội đồng Chung khảo cuộc thi cho biết, cuộc thi đã khơi gợi tinh thần yêu nước trong mỗi trái tim Việt. “Tôi cho rằng, các tác phẩm về cơ bản đáp ứng được mục tiêu của cuộc thi đặt ra về mặt kiến thức. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm được làm rất tâm huyết, rất công phu. Chỉ nhìn thấy công trình đó, cách thức tiếp cận thấy rõ tình yêu của các tác giả với Tổ quốc. Có những người nông dân, họ không đánh máy và viết toàn bộ tác phẩm bằng tay. Họ nói lên cách suy nghĩ và giải pháp Biển Đông theo cách suy nghĩ của một người dân bình dị về vấn đề biển đảo. Hay những đứa trẻ, chúng chỉ xem hình ảnh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên ti vi nhưng cũng hiểu được đó là “máu thịt” của Tổ quốc”.

Minh Tuấn