TPHCM xin không hợp nhất các sở

(Dân trí) - Khối lượng công việc của các sở, ngành quá lớn và TPHCM đang xin chủ trương cho phép xây dựng Đề án mô hình chính quyền đô thị. Do đó, TPHCM xin không sáp nhập các sở như yêu cầu của Trung ương.

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, với quy mô dân số lớn nhất nước (gần 9 triệu người). TPHCM đóng góp cho ngân sách nhiều nhất cả nước (30%) nên khối lượng giải quyết công việc của các sở, ngành là rất lớn và ngày càng nhiều. 

TPHCM xin không hợp nhất các sở - 1

TPHCM xin Trung ương không sáp nhập các sở vì dân số đông, khối lượng công việc quá lớn

Vì vậy, việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và cấp huyện cần phải được nghiên cứu chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả trước khi thực hiện.

Ngoài ra, hiện nay, một số cơ quan, đơn vị đang được điều chỉnh, thành lập mới cho phù hợp tình hình thực tế. Trong đó, Thủ tướng cho phép thí điểm lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm; Thành phố cũng đã đề xuất lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận huyện, đang tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc chính quyền cấp quận huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất...

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang xin Trung ương cho xây dựng Đề án mô hình chính quyền đô thị, cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn nên không thí điểm hợp nhất các sở, ngành cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thành phố có 20 cơ quan chuyên môn (sở, ngành) trực thuộc và 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội diễn ra ngày 28/3/2017, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong từng cho rằng việc sáp nhập các sở sẽ hình thành “siêu sở”, gây quá tải, ách tắc trong giải quyết công việc. Ông dẫn chứng công việc của Sở Kế hoạch – Đầu tư đang rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh thành phố hướng tới con số 500.000 doanh nghiệp, trong năm 2017 phải thành lập mới 50.000 doanh nghiệp.

Còn trong năm 2016, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã giải quyết 273.000 hồ sơ, tiếp nhận 50.000 văn bản và phát đi 35.000 văn bản. Có 87 quốc gia, vùng lãnh thổ đến TPHCM đầu tư. Mỗi tháng có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập... Hiện Sở này cũng đang theo dõi 6.722 dự án.

“Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở Kế hoạch – Đầu tư thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà không làm nổi, nó sẽ khiến trì trệ, tác động đến sự phát triển của TP”, ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận, nếu nhập Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng với Sở Xây dựng cũng sẽ thành “siêu sở”. Việc này sẽ gây khó khăn ách tắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Quốc Anh