1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Thêm 2 tuyến xe buýt bị “khai tử” vì lỗ lớn

(Dân trí) - Xe buýt ế khách, nguồn thu không đảm bảo chi phí hoạt động nên Sở Giao thông vận tải TPHCM quyết định tạm ngưng khai thác 2 tuyến xe buýt. Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 tháng, thành phố đã tạm ngưng 4 tuyến xe buýt.

Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa đồng ý tạm ngưng hoạt động 2 tuyến xe buýt số 37 (Cảng Quận 4 – Nhơn Đức) do Hợp tác xã vận tải số 26 đảm nhận và tuyến số 60 (Bến xe An Sương – Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân) do Hợp tác xã vận tải 19/5 đảm nhận, kể từ ngày 1/10.

Nguyên nhân của việc tạm ngưng hoạt động là lượng khách đi lại trên hai tuyến trên thấp, không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động.

Trong vòng 2 tháng, TPHCM đã khai tử 4 tuyến xe buýt vì... ế khách
Trong vòng 2 tháng, TPHCM đã "khai tử" 4 tuyến xe buýt vì... ế khách

Sau khi ngưng hoạt động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP có trách nhiệm theo dõi hoạt động các xe buýt tham gia Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 – 2017, đảm bảo việc chi hỗ trợ lãi vay chặt chẽ theo quy định và kiểm soát kinh phí trợ giá chặt chẽ, đúng quy định.

Các hợp tác xã khai thác tuyến chịu trách nhiệm giải quyết và bố trí phương tiện đang hoạt động trên tuyến 37 và 60 sau khi tạm ngưng. Trường hợp hợp tác xã không đưa phương tiện vào hoạt động trên các tuyến xe buýt ở TPHCM thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và phải hoàn trả lãi vay, vốn vay đã được Nhà nước hỗ trợ.

Trước đó, vào tháng 8/2018, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã “khai tử” xe buýt số 149 (Công viên 23/9 – Tân Phú – Bến xe An Sương) và tuyến số 40 (Bến xe Miền Đông – Bến xe Ngã Tư Ga) cũng vì… ế khách.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, kinh phí trợ giá thấp khiến xe buýt thường xuyên bỏ chuyến, thậm chí có tuyến xe buýt bỏ chuyến hàng loạt. Do đó, sở này kiến nghị thành phố bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt khoảng 330 tỷ đồng.

Trong năm 2018, bố trí kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng (bằng năm 2017) trong điều kiện các đơn vị vận tải thực hiện đầu tư thay thế xe buýt mới và giá nhiên liệu có xu hướng tăng, nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn.

Theo Sở GTVT TP, việc bố trí trợ giá cho hoạt động xe buýt những năm qua ngày càng giảm, với tỷ lệ trợ giá/chi phí những năm gần đây dưới 40%. Trong khi đó, tỷ lệ trợ giá cho xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2014-2016 bình quân khoảng 55%.

Với tình hình trợ giá nêu trên, những năm gần đây, việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải tốn nhiều thời gian đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt.

Quốc Anh