TPHCM mời chuyên gia nước ngoài góp ý bảo tồn Dinh Thượng thơ

(Dân trí) - Dinh Thượng thơ được xây dựng từ thế kỷ XIX (nay đã hơn 130 tuổi) sẽ bị phá bỏ khi cải tạo, mở rộng trụ sở UBND TPHCM. Để có giải pháp bảo tồn tối ưu nhất, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP đề xuất mời chuyên gia nước ngoài nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho biết đã tổ chức hội thảo để có phương án quản lý quy hoạch kiến trúc công trình tại 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 (Dinh Thượng thơ trước đây).

Tuy nhiên qua hội thảo, chủ yếu các ý kiến chỉ dừng ở mức độ bảo tồn, tập trung các nhận định về giá trị lịch sử văn hóa, giá trị nghệ thuật kiến trúc công trình, mà chưa đưa ra được các đề xuất về giải pháp kỹ thuật và mức độ bảo tồn với công trình. Đây là một hạn chế do hiện chưa có chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

TPHCM mời chuyên gia nước ngoài góp ý bảo tồn Dinh Thượng thơ - 1

TPHCM tìm phương án bồn tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi (ảnh: Nguyễn Quang)

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, hiện một số nước trên thế giới cũng đã thành công trong việc bảo tồn kiến trúc đô thị hiệu quả theo từng mức độ. Để công trình có được giải pháp bảo tồn tối ưu cho công trình, sở kiến nghị UBND TP mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn để nghiên cứu, góp ý.

Cũng theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, Dinh Thượng thơ lưu giữ dấu vết về một trong những công trình công quyền đầu tiên của Sài Gòn, liên kết hài hòa về không gian với nhiều di sản, mảng xanh trong khu vực. Đây là công trình đặc trưng về kỹ thuật xây dựng và kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ và hiện vẫn được bảo quản tốt.

Tuy nhiên, đến nay, tòa nhà Dinh Thượng thơ vẫn chưa được đánh giá xếp hạng di tích và không thuộc danh sách các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP.

Dinh Thượng thơ (được xây dựng từ năm 1860) là nơi điều hành trực tiếp về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp, tài chính của thuộc địa thời Pháp thuộc.

Chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến cho biết Dinh Thượng thơ mang ý nghĩa về nhiều mặt: kiến trúc, lịch sử, văn hóa, không gian đô thị…

Theo ông Tiến, nền đất Dinh Thượng thơ là một dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn. Vào mùa xuân 1790, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) cho xây Thành Gia Định tại vùng đất cao thuộc địa phận làng Tân Khai - một trong 40 ngôi làng đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn.

Vùng đất này được người Pháp gọi là Đồi Thành lũy. Đây là khu đất trải rộng từ rạch Thị Nghè xuống đến đường Đồng Khởi ngày nay. Đỉnh đồi là khu vực đài truyền hình thành phố hiện giờ, chân đồi là khu vực công viên Chi Lăng, bao gồm Dinh Thượng thơ.

Căn cứ vào các sử liệu, ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn ngày nay chính là đất của pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của Thành Gia Định. Năm 1860, người Pháp đã quy hoạch làm đất xây dựng Dinh Thượng thơ và đằng sau dinh này là Dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TPHCM).

Đây là vị trí cao thuận lợi xây công thự. Đường Lý Tự Trọng nối một mạch cơ quan quan trọng của chính quyền Nam Kỳ và Sài Gòn lúc đó, khoảng cách gần chỉ cần đi bộ. Ví dụ như trường Trần Đại Nghĩa trước là Dinh Soái phủ Nam Bộ. Từ đây đi bộ một chút là tới Dinh Thượng thơ - cơ quan quan trọng thứ 2 sau Dinh Thống đốc (bây giờ là Bảo tàng TP), Khám Lớn (giờ là thư viện Tổng hợp), Sở Học chánh (bây giờ là Sở Giáo dục)…

Chuyên gia sử học đánh giá đây là quy hoạch khu hành chính hoàn chỉnh. Dấu tích mở đầu của lịch sử hành chính đô thị và hành chính quốc gia hiện đại.

Từ đó, ông Tiến đề nghị không chỉ bảo vệ, tôn tạo Dinh Thượng thơ mà nên mở rộng ra là bảo vệ không gian xưa của Sài Gòn.

Quốc Anh