TPHCM mở rộng khu trung tâm

(Dân trí) - Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, ngoài khu vực trung tâm hiện hữu rộng 930 ha, TPHCM mở rộng trung tâm tổng hợp chính sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 737 ha.

Trung tâm thành phố bao gồm cả Thủ Thiêm

Trước đây, trung tâm thành phố chỉ bao gồm một phần quận 1, quận 3. Đến đầu năm 2013, UBND TP chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thành phố mở rộng thêm 1 phần quận 4 và Bình Thạnh với quy mô 930 ha. Và mới đây, dự án Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 vừa được HĐND TP thống nhất thông qua định hướng sẽ mở rộng khu trung tâm tổng hợp chính của thành phố bao gồm cả khu trung tâm 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 737 ha.
 
Như vậy, nếu quy hoạch này được Chính phủ thông qua thì đã có thể xác định khu trung tâm tổng hợp chính mới của TPHCM sẽ rộng đến 1.667 ha với khu trung tâm hiện hữu 930ha nằm ở bờ Tây sông Sài Gòn và KĐT Thủ Thiêm nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn. Hai khu này sẽ kết nối với nhau bằng nhiều cầu và đường hầm vượt sông. Quy mô dân số khu trung tâm tổng hợp chính này đến năm 2020 là gần 400.000 người; trong đó, khu trung tâm hiện hữu 930 ha là 250.000 người và KĐT Thủ Thiêm gần 150.000 người.

TPHCM mở rộng khu trung tâm
Trung tâm tổng hợp chính của thành phố sẽ gồm trung tâm cũ ở phía Tây sông Sài Gòn và trung tâm mới ở phía Đông sông Sài Gòn

Về quy hoạch không gian, khu trung tâm hiện hữu 930 ha sẽ được chia thành 5 phân khu chức năng, bao gồm: Phân khu 1 là khu lõi Trung tâm Thương mại - Tài Chính; Phân khu 2 là khu Trung tâm Văn hóa - Lịch sử; Phân khu 3 là khu bờ Tây sông Sài Gòn; Phân khu 4 là khu thấp tầng; Phân khu 5 là khu lân cận lõi trung tâm. Định hướng chung ở khu này là tạo sự cân bằng giữa bảo tồn những giá trị cảnh quan lịch sử với phát triển chức năng đô thị mới, phát triển không gian ngầm và mảng xanh, xây dựng hệ thống đường đi bộ...

Còn KĐT Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm tổng hợp chính. Khu này sẽ phát triển các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà khu trung tâm 930 ha còn thiếu và hạn chế phát triển. 

Phát triển đô thị vệ tinh về 4 hướng

Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020 của thành phố còn xác định mô hình phát triển không gian lãnh thổ của thành phố là tập trung – đa cực. Thành phố sẽ được phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp chính ở giữa và 4 trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển.

Cụ thể, phía Đông trung tâm sẽ đặt tại phường Long Trường, quận 9; Phía Nam trung tâm sẽ đặt tại khu A của đô thị mới Nam Thành Phố; Phía Bắc trung tâm sẽ là khu đô thị Tây Bắc; Phía Tây thì trung tâm là khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Trong 4 hướng phát triển thì hướng Đông và hướng Nam ra biển là 2 hướng chính; hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam là 2 hướng phụ. Hướng chính phía Đông sẽ phát triển đô thị theo hàng lang cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và xa lộ Hà Nội. Hướng chính phía Nam sẽ phát triển theo tuyến Nguyễn Hữu Thọ. Hướng phụ phía Tây – Bắc phát triển theo quốc lộ 22. Hướng phụ phía Tây, Tây – Nam sẽ phát triển dọc tuyến Nguyễn Văn Linh.

Ngoài hệ thống trung tâm đô thị, thành phố còn quy hoạch hệ thống các trung tâm chuyên ngành như Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học tại khu ĐH Quốc gia TPHCM và trung tâm các hướng phát triển; Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế tại các cửa ngõ; Trung tâm văn hóa, thể thao tại các khu vùng ven như Khu Lịch sử - Văn hóa – Dân tộc (quận 9), Vườn thú (Củ Chi), Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2)...

Thành phố cũng xác định các khu vực bảo tồn và cấm xây dựng là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở Củ Chi, Bình Chánh; các khu vành đai bảo vệ an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất...

Tùng Nguyên