TPHCM kiến nghị làm đường sắt trên cao

(Dân trí) - Sau nhiều lần đề nghị di dời ga Sài Gòn ra ngoại thành không được chấp thuận, TPHCM kiến nghị xây dựng đoạn đường sắt đi qua khu vực nội đô trên cao để không giao cắt với đường bộ.

Đoạn đường sắt từ ga Bình Triệu đến ga Sài Gòn đi qua nội đô TP dài khoảng 9,5km nhưng giao cắt với đường bộ tại 14 điểm quan trọng. Chính những điểm giao cắt này gây nên tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi chắn đường cho tàu chạy, nhất là trong giờ cao điểm.

TPHCM kiến nghị làm đường sắt trên cao - 1
Nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô gây ùn tắc và tai nạn giao thông

Chính vì vậy, từ năm 2007, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia theo hướng di dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An (Bình Dương). Tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nội đô sẽ chuyển thành đường sắt đô thị để phục vụ giao thông công cộng.

Đến cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị trên. Tuy nhiên, đến năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải đã phản đối và đề nghị vẫn giữ nguyên ga Sài Gòn.

Kể từ đó đến năm 2010, UBND TP nhiều lần kiến nghị, tranh luận với Bộ GTVT về vấn đề này nhưng Bộ vẫn kiên quyết giữ nguyên quy hoạch ban đầu, không đồng ý di dời ga Sài Gòn và ga Bình Triệu về ga Dĩ An.

Theo Bộ GTVT, ga Sài Gòn được quy hoạch là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội – ngoại ô, cần cố định ở vị trí trung tâm TP. Khi di dời ga về vị trí mới theo đề nghị của UBND TPHCM thì không đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của ga trung tâm đô thị. Ngoài ra, vị trí ga mới nằm trên phạm vi đất tỉnh Bình Dương chưa được xác định quy hoạch phát triển GTVT.

Điểm cốt yếu là khi di dời ga trung tâm ra khỏi nội đô TP thì phải điều chỉnh hướng tuyến đường sắt quốc gia không còn đi qua trục xuyên tâm TP, kéo dài thời gian tàu chạy, giảm khả năng thu hút khách và làm mất chức năng đường sắt liên vùng của tuyến đường sắt quốc gia.

Theo Bộ GTVT, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu tổ chức giao cắt khác mức, đi ngầm hoặc đi trên cao. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được tiến hành.

Do vậy, mới đây UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét định hướng thiết kế đi trên cao đối với các đoạn tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn TP để tổ chức giao thông thuận tiện và tạo điều kiện phát triển quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, UBND TP một lần nữa kiến nghị Bộ GTVT cần xem xét kỹ các quy hoạch đã được phê duyệt trong quá trình nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt liên quan đến địa bàn TPHCM, cập nhật các thông tin liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị của TP.