TPHCM kêu gọi người dân “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” về đối thoại

(Dân trí) - Hiện nay, UBND TPHCM đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ để kiểm tra, làm rõ nội dung khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến cuối tháng 7 thành phố sẽ tổ chức đối thoại với các hộ dân.

UBND TPHCM vừa kiến nghị Thanh tra Chính phủ và Ban Tiếp công dân Trung ương giải thích, thuyết phục các hộ dân trở về địa phương làm việc với cơ quan chức năng về các khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

TPHCM kêu gọi người dân “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” về đối thoại - 1

Gặp gỡ đại biểu Quốc hội TPHCM, cử tri Thủ Thiêm đưa bản đồ chứng minh phần đất không nằm trong ranh dự án (ảnh: Phạm Nguyễn)

Hiện nay, UBND TP đang phối hợp Thanh tra Chính phủ để kiểm tra, làm rõ các nội dung khiếu nại của công dân các công dân cho là nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến, cuối tháng 7 thành phố tổ chức đối thoại với các hộ dân có khiếu nại.

Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TPHCM phối hợp Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết khiếu nại của người dân.

Người dân Thủ Thiêm cho rằng, không chỉ riêng khu 4,3ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài rannh dự án như thông báo số 1483 vào tháng 9/2018 của Thanh tra Chính phủ mà có tới 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh. Đó là 5 khu phố thuộc phường Bình An, Bình Khánh (2 khu phố) và An Khánh (2 khu phố).

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 9/2018, lãnh đạo TPHCM nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với người dân Thủ Thiêm để giải quyết các vấn đề liên quan đến ranh quy hoạch nhưng người dân vẫn chưa đồng ý, tình trạng khiếu nại vẫn tiếp diễn.

Nổi bật là vấn đề 5 khu phố nằm ngoài ranh quy hoạch và khu 160ha đất tái định cư cho người dân mà TP giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án.

Người dân thường xuyên đến nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội căng biểu ngữ, phát loa khiếu kiện… yêu cầu thực hiện đúng quy hoạch Thủ Thiêm 770ha.

TPHCM kêu gọi người dân “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” về đối thoại - 2

Cử tri Trần Thị Mỹ (gần 80 tuổi) cho biết bà là một trong số hơn 100 hộ dân đi khiếu nại đã lập "làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội" (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, cử tri Trần Thị Mỹ (78 tuổi) cho biết bà là một trong số hơn 100 người dân đi khiếu nại đã lập “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội”.

Bà cho rằng sai phạm ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nỗi đau của người dân. Việc người dân bị bồi thường không đúng và không được tái định cư là lỗi của chính quyền cơ sở.

“Người dân đi tới đi lui, người dân nghèo nhưng phải đi ra Hà Nội khiếu kiện. Việc này vừa gây thiệt hại kinh phí cho người dân, Nhà nước và ảnh hưởng đến uy tín, kêu gọi đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chính quyền và người dân cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề. Cần chỉnh sửa để lấy lại lòng tin cho người dân và chữ tín cho thành phố”, bà Mỹ nói.

TPHCM kêu gọi người dân “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội” về đối thoại - 3

“Tôi là một trong số hàng chục hộ dân lập làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội từ lúc tóc xanh giờ tóc bạc. Đại biểu có dám đưa “đại án Thủ Thiêm” đến Quốc hội hay không? Tôi xem bao nhiêu lần mà không thấy đưa ra nghị trường”, cử tri Nguyễn Thị Hồng nói tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ ra hàng loạt sai phạm về kinh tế của chính quyền TPHCM.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên 4.286 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, UBND TP đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT (4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Hạ tầng khu dân cư phía Bắc…) nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Trong đó, tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Mặc dù việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND TP đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp trên 4.225 tỷ đồng, đã nộp 2.376 tỷ đồng, số còn lại đến nay chưa nộp trên 1.800 tỷ đồng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách Nhà nước theo quy định.

Quốc Anh