TPHCM hối hả lo chuyện thoát nước trước siêu bão

(Dân trí) - Dù siêu bão Haiyan ít khả năng đi vào khu vực TPHCM nhưng thành phố không chủ quan, vẫn yêu cầu các sở-ban-ngành tăng cường chống bão. UBND TP lo ngại tổ hợp bất lợi mưa lớn – triều cường – xả lũ có thể khiến nhiều khu vực ngập sâu.

Ngày 7/11, TPHCM chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ áp thấp nhiệt đới, có mưa to nhiều nơi (lượng mưa trung bình 108mm) nhưng đồng thời gặp phải tổ hợp bất lợi là triều cường cao 1m62 nên gây ngập nặng ở rất nhiều nơi. Theo thống kê của công ty Thoát nước đô thị TP thì trận mưa sáng 7/11 đã gây ngập 64 tuyến đường trên toàn thành phố.

Để chống ngập trong ngày 7/11, công ty Thoát nước đô thị đã vận hành 26 trạm bơm chống ngập; bảo dưỡng 515 van, phay ngăn triều hoạt động hiệu quả; huy động 164 công nhân viên điều hành các trạm bơm, các cụm đập ngăn triều và tại các điểm ngập, vớt rác trước miệng hầm ga, mở nắp hầm ga tăng khả năng thu nước của hệ thống cống… nhưng tình trạng ngập vẫn diễn ra rất nghiêm trọng.

TPHCM hối hả lo chuyện thoát nước trước siêu bão
Mưa to do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới ngày 7/11 khiến 64 tuyến đường trên địa bàn TP ngập nặng (ảnh: Trung Kiên)

Do đó, trong công văn hỏa tốc gửi các ban ngành ngày 8/11, UBND TPHCM dự phòng khả năng hoàn lưu siêu bão Haiyan có thể gây mưa lớn trên thượng nguồn, các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn thành phố có thể sẽ xả lũ khẩn cấp làm ngập thành phố. Do đó, UBND TP yêu cầu các ban ngành thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho hạ du, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra.

Cụ thể, UBND TP giao cho các sở ngành, địa phương chủ động triển khai phương án phòng chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ. Đồng thời giao Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP, công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP theo dõi tình hình xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn thành phố để kịp thời thông tin, cảnh báo các đơn vị phòng chống, ứng phó hiệu quả.

UBND TP cũng chỉ đạo các quận huyện ven sông cẩn trọng chú ý. Các địa phương có bờ bao ven sông, vùng trũng thấp (quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi và Hóc Môn) phải tổ chức rà soát lại các khu vực trọng điểm cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão này. Khi phát hiện bất cứ sự cố nào (nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao) phải kịp thời xử lý, khắc phục, không để xảy ra ngập úng kéo dài, gây thiệt hại cho người dân.

Tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao (quận 2, 12, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè và Bình Chánh), UBND TP yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Tùng Nguyên