TPHCM: Hàng trăm chung cư có thể...sập bất cứ lúc nào!

Theo đánh giá của các cơ quan kiểm định, hơn 100 chung cư cũ trên địa bàn TPHCM đang phải đối diện với nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Hiện hơn 30.000 hộ dân ngày đêm thấp thỏm sống trong những chung cư xập xệ này.

Tất cả những chung cư thuộc loại trên đều có niên hạn sử dụng trên 50 năm, cơ sở hạ tầng già cỗi, rệu rã. Theo đánh giá của Sở Xây dựng thành phố cũng như của các công ty giám định xây dựng thì các chung cư cũ có khá nhiều "bệnh". "Bệnh" thường "phát" ở chỗ tường bị thấm nứt, hiện trạng kiến trúc bị thay đổi do người dân xây thêm phòng, cơi nới gác lửng, chiếm dụng không gian...

 

Ông Lê Hòa Bình, Phó giám đốc Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC), cho biết: "Do đã thay đổi quá nhiều so với thiết kế ban đầu cũng như quá niên hạn sử dụng, nên các chung cư cũ nếu tính toán khả năng chịu lực theo tiêu chuẩn với hiện trạng kiến trúc hiện nay thì chắc chắn sẽ không đảm bảo khả năng chịu lực". Và nếu không đủ khả năng chịu lực thì chung cư cũ có thể "sập" bất cứ lúc nào.

 

Riêng tại quận 10 có tổng cộng 54 chung cư cả cũ lẫn mới, trong đó đến 45 chung cư cũ có nguy cơ sụp đổ và đã được đưa vào danh sách di dời để xây dựng công trình hay chung cư mới. "Biết là chung cư xuống cấp lắm rồi, nhưng mấy đời gia đình chúng tôi sống ở đây, nghèo nữa, biết sống ở đâu khác đây", bà A Muỗi, nhà số 221 lô P, chung cư Nguyễn Kim phàn nàn. Bà và nhiều hàng xóm vẫn đang cố bám trụ tại khu chung cư vốn đã nằm trong danh sách di dời, đập bỏ để xây mới.

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ đô thị và quản lý nhà quận 10, cho biết, tình trạng các lô P cũng như các lô O, K, M, N, L của Nguyễn Kim quá xuống cấp, đều thuộc diện di dời. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí cũng như quỹ nhà tái định cư của quận

Quận 1 có 3 chung cư ở trong tình trạng sập bất cứ lúc nào: Chung cư 289 Trần Hưng Đạo với 103 hộ, chung cư Cô Giang - 108 hộ dân, khu Dạ Lữ Viện ở 42 Nguyễn Văn Cừ.

 

Quận 5 có: Chung cư Soái Kình Lâm, quận 3 có chung cư Lý Thái Tổ, Nguyễn Thiện Thuật, 72 Trương Quyền...

 

Quận 10 nổi bật nhất với cụm chung cư Nguyễn Kim và chung cư Ngô Gia Tự.

10 còn quá thiếu nên chưa thể đập bỏ ngay được mà phải làm theo phương pháp cuốn chiếu. Ngày 13/4, hai lô Q và S của chung cư này đã bị đập bỏ. Theo thiết kế xây dựng đã được duyệt, hai mặt bằng này sẽ được xây dựng hai chung cư mới. Sau đó sẽ tới lượt lô D của chung cư này, và lần lượt lô D chung cư Ngô Gia Tự, B29 Thành Thái, các lô E, C, G chung cư Ngô Gia Tự...

 

Trong thời gian chờ đợi di dời, các lô chung cư sắp sập còn lại được chống đỡ bằng cách gia cố, sửa chữa từng hạng mục như dầm mái, lót sàn hành lang, thay mái tôn, hàn gắn thành lan can, tháo dỡ những thành phần công trình phụ xây thêm ở hộ dân... Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan kiểm định Nhà nước thì biện pháp này chỉ có tính tạm thời và trong thời gian tới nhất thiết phải tìm ra giải pháp cho các chung cư cũ kỹ vốn được xây dựng từ trước ngày giải phóng. Bà Hạnh cho rằng: "Việc giải tỏa và bố trí tái định cư cho người dân ở các chung cư sắp sập là quan trọng hơn bất kỳ các chương trình tái định cư nào khác. Bởi lẽ nếu không may sau một đêm ngủ dậy nghe tin một chung cư cũ nọ bị sập thì hậu quả không thể nào lường hết được".

 

Cái khó của các quận khi thực hiện giải tỏa di dời chung cư cũ để xây chung cư mới là do các hộ dân không chịu hiệp thương với chủ đầu tư về giá đền bù, về nhà tái định cư hay chính sách trợ cấp; nguồn vốn đầu tư của quận có hạn; quỹ nhà tái định cư của quận hạn chế... Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố thì có một nguyên nhân nữa là do lãnh đạo quận không tích cực thực hiện chương trình sửa chữa và xây dựng mới các chung cư trên địa bàn quận mình.

 

Đơn cử, theo báo cáo của UBND quận 1, tiến độ di dời các hộ chung cư 289 Trần Hưng Đạo chậm là do các hộ yêu cầu phải có biên bản thỏa thuận với Công ty quản lý nhà quận 1 và Công ty xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn về việc sẽ bố trí tái định cư tại chỗ, xác định rõ vị trí, diện tích, giá bán căn hộ... nhưng về phía quận vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu này. Trong khi đó, phía Công ty xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn cũng than phiền là nếu bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân chờ tái định cư thì số tiền hàng tỷ đồng mà công ty phải trả trước là không thể kham nổi.

 

Theo Phan Anh
VnExpress