TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển "kinh tế số"

Quốc Anh

(Dân trí) - TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số, với mục tiêu năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

"Cái mới bao giờ cũng rất cần người dẫn dắt đi đầu"

Ngày 22/7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố. 

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 1

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

"Cái mới bao giờ cũng rất cần người dẫn dắt đi đầu, sự mở đường thành công của TPHCM sẽ kéo theo cả đất nước thành công", ông Hùng nhấn mạnh.

Từ năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Việc này góp phần thúc đẩy các sản phẩm "made in Vietnam".

"Bộ mong muốn TPHCM hãy đẩy các bài toán, vấn đề của thành phố tới cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số", ông Hùng đề nghị.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Theo ông, cứ mỗi 1.000 người dân có 1 doanh nghiệp công nghệ số, như vậy sẽ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương và tiến tới hợp tác các doanh nghiệp toàn cầu. 

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 2

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám ứng dụng của địa phương, lãnh đạo địa phương

Bộ trưởng cho rằng, TPHCM nên chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số. Hiện, các quốc gia đều chi mức 1% ngân sách cho công nghệ thông tin. 

"Hàn Quốc đứng đầu về Chính phủ điện tử và chi 2% ngân sách cho công nghệ thông tin. Hiện, TPHCM chi khoảng 0,4% ngân sách", ông Hùng nói.

Để người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, kinh tế số, Bộ trưởng cho biết, tháng 8 sẽ ban hành cẩm nang về chuyển đổi số nói chung, với những khái niệm gần gũi, bao gồm bản online và bản cứng.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận mô hình mới. Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám ứng dụng của địa phương, lãnh đạo địa phương".

TPHCM cần tăng ngân sách cho lĩnh vực công nghệ thông tin

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, dân số thành phố mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân cả nước. Vì vậy, chỉ có cách ứng dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất thì mới có thể giảm giờ làm việc.

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 3

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có trung tâm trung tâm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, giải pháp thông minh 

Người đứng đầu Đảng bộ TP cũng đề cập đến vai trò phát triển sản phẩm công nghệ và quảng bá của cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho rằng cần có trung tâm giới thiệu sản phẩm, tư vấn giải pháp công nghệ để thấy được sự hiệu quả khi ứng dụng giải pháp mới là năng suất tăng, chất lượng tăng, chi phí giảm. 

"Cần có trung tâm giới thiệu, tư vấn giải pháp thông minh, trình diễn sản phẩm đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông... Và có thể cho các cơ quan, ban ngành dùng thử 3-6 tháng miễn phí. Nếu hiệu quả thì dù có phải đầu tư nhiều tiền thành phố cũng sẵn sàng bỏ ra", ông Nhân nói.

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 4

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại hội nghị

Người đứng đầu Đảng bộ TP cũng cho rằng, hiện thành phố chỉ mới chi ngân sách 0,4% cho lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông. Vì vậy, sắp tới cần tính toán tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn. 

Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 tác động đến đời sống kinh tế xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội, đặt ra yêu cầu TPHCM phải nỗ lực nhiều hơn, để chuyển đổi số thành nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép. 

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 5

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn

Theo người đứng đầu chính quyền TP, tại châu Á, kinh tế số chiếm 25% GDP và tăng lên 60% vào năm 2021. TPHCM có nhiều lợi thế, là thị trường mới, tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Á. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP và năm 2030 là 40%.

Về chính quyền số, TPHCM số hóa và tích hợp nhiều dữ liệu để người dân và doanh nghiệp sử dụng, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn thành phố. 

Thành phố đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên dữ liệu giúp người dân sử dụng phục vụ đời sống kinh doanh.

Về kinh tế số, TPHCM tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm, gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, năng lượng và đào tạo nhân lực.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội. 

TPHCM cần chi ngân sách nhiều hơn cho phát triển kinh tế số - 6

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội

TPHCM đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. 

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 

Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.