Tổng Bí thư: Khắc phục chuyện doanh nghiệp FDI chuyển giá, đầu tư chui, “núp bóng” tinh vi

(Dân trí) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ban hành  Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đầu tư "chui", "núp bóng" ngày càng tinh vi 

Nghị quyết số 50 được ký ban hành ngày 20/8/2019 nêu nhận định, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thu hút, tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng thống nhất đánh giá, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao.

Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp.

Tổng Bí thư: Khắc phục chuyện doanh nghiệp FDI chuyển giá, đầu tư chui, “núp bóng” tinh vi - 1
Tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng, đầu tư "chui", "núp bóng" đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém đó là do chủ quan. Nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Tư duy và định hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Thu hút 30-50 tỉ USD vốn nước ngoài một năm 

Định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút, quản lý hoạt động hợp tác đầu  tư nước ngoài, Bộ Chính trị nêu mục tiêu tổng quát, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, khu vực có vốn đầu tư  nước ngoài đạt khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm), vốn thực hiện khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50%. Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30%. Tỉ trọng lao động qua đào tăng từ  mức 56% năm 2017 lên 70%.

Giai đoạn 2026-2030, vốn đăng ký của khu vực kinh tế này đạt  mức 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm), vốn thực hiện khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm). Khi đó, 100% doanh nghiệp FDI đều sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, so với thực tế năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa đạt mức 40%...

Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra giải pháp để đạt mục tiêu đề ra, trước hết là phỉa hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài. Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về chính sách thu hút đầu tư, lãnh đạo Đảng chỉ đạo xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.

Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Đa dạng hoá và phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công - tư (PPP) vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thể chế, chính sách được xây dựng hướng tới việc đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập… của nhà đầu tư cho phù hợp với cam kết quốc tế. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về lao động, việc làm và tiền lương cho hài hòa, minh bạch. Điều chỉnh hợp lý khoảng cách lương tối thiểu giữa các vùng để hạn chế tập trung lao động tại các đô thị lớn. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường.

Khâu quản lý, giám sát đầu tư, Nghị quyết 50 đòi hỏi nâng cao năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế chính sách, rà soát, hoàn thiện các quy định về chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật. Xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư. quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài…

P.Thảo