Bạc Liêu:

Tôm bơm tạp chất: “Lỗi” tại... người mua?!

(Dân trí) - Trước những câu hỏi gắt gao của đại biểu, lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu sau những câu trả lời chung chung đã cho rằng, một phần nguyên nhân khiến tình trạng tôm bơm tạp chất còn tồn tại là do... vẫn còn người mua. Làm sao để không có người mua nữa thì tình trạng này sẽ hết (!?).

Tại phiên chất vấn lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Bạc Liêu trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX vừa diễn ra cuối tuần qua, vấn đề bơm chích tạp chất vào tôm đã làm nóng nghị trường HĐND tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh bị đại biểu “truy” gắt gao về tình trạng này.

Bơm chích tạp chất là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Tại phiên chất vấn Sở NN&PTNT, đại biểu La Văn Viễn - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh - đặt câu hỏi: Hiện nay, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của tỉnh và nuôi tôm của người dân. Đề nghị Sở NN&PTNT cho biết nguyên nhân vì sao thực trạng này chưa giảm và giải pháp gì để khắc phục hậu quả trong thời gian tới?


Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu bị truy gắt về tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm.

Bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu bị "truy" gắt về tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm.

Trả lời đại biểu, bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu - thừa nhận, đúng như đại biểu đã phản ánh, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, có tổ chức.

Trong năm 2015, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện hơn 2,3 tấn tôm bơm chích tạp chất. Trong 7 tháng đầu năm 2016, phát hiện 8 trường hợp vi phạm, xử phạt 500 triệu đồng...

Theo bà Oanh, nguyên nhân khiến việc bơm chích tạp chất vào tôm "có đất sống" là do, tôm bơm chích tạp chất vẫn tiêu thụ được, giá bán cao nên các đối tượng làm ăn bất chính không từ thủ đoạn nào để thực hiện. Các đối tượng thực hiện hành vi khá manh động, có đối tượng còn đe dọa cán bộ thực thi nhiệm vụ. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm không nghiêm túc thực hiện việc “nói không với tạp chất”.

Ngoài ra, do nhận thức kém của một số người dân, thương lái, đại lý cơ sở mua bán thủy sản chưa hiểu rõ hết tác hại của việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Theo bà Oanh, để khắc phục những tồn tại nêu trên, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện Chỉ thị 20 ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sử dụng tôm chứa tạp chất để chế biến xuất khẩu; tích cực vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp nói không với thực phẩm bẩn.

Đại biểu La Văn Viễn: Bơm chích tạp chất vào tôm như là chuyện phổ biến nhưng ngành chức năng lại phát hiện, xử lý quá ít, dẫn đến bức xúc trong dư luận.
Đại biểu La Văn Viễn: "Bơm chích tạp chất vào tôm như là chuyện phổ biến nhưng ngành chức năng lại phát hiện, xử lý quá ít, dẫn đến bức xúc trong dư luận".

Chưa đồng tình với phần trả lời chung chung của bà Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đại biểu La Văn Viễn “truy” gắt gao hơn: “Thời gian qua, việc bơm chích tạp chất vào tôm không giảm mà có xu hướng ngày càng gia tăng, phổ biến, thách thức dư luận, thách thức cơ quan công quyền. Việc làm của đối tượng bơm chích tạp chất coi như là chuyện công khai, bình thường, không vi phạm pháp luật. Tại sao các cơ quan chức năng có hẳn hệ thống chuyên trách nhưng thời gian qua việc phát hiện, xử lý bơm tạp chất vào tôm tuy có nhưng rất ít, đã gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh?".

Tiếp lời đại biểu Viễn, ông Lê Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu - cho biết, việc bơm chích tôm không dừng lại ở dạng dùng kim chích mà dùng đến công nghệ máy để có thể chích trong thời gian ngắn đạt số lượng nhiều nhất. Người thực hiện bơm chích coi đó là chuyện bình thường.

“Vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng này không dừng lại mà có xu hướng phát triển, khá phổ biến, đây là câu hỏi cần có câu trả lời cụ thể”, ông Hùng đặt vấn đề với lãnh đạo ngành nông nghiệp.

Với các vấn đề cụ thể nêu trên, bà Oanh vẫn không có câu trả lời thỏa đáng mà vẫn viện dẫn Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Oanh thậm chí "đổ lỗi" cho người mua: “Tại sao còn bơm chích tạp chất? Là vì còn người mua. Do đó phải làm thế nào để không còn người mua nữa thì tình trạng bơm chích tạp chất sẽ hạn chế và chấm dứt. Bởi bơm mà không ai mua thì không biết bơm để làm gì” (!).

hinh-tom-1469780198112

Tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm làm "nóng" nghị trường HĐND tỉnh Bạc Liêu.

Diêm dân lại “trúng mùa, mất giá”

Ngành NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng bị đại biểu “hỏi thăm” về tình hình sản xuất của ngành muối. Đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung - Phó Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, đặt vấn đề: Năm 2016, tình hình sản xuất muối thuận lợi nên sản lượng thu được khá cao. Tuy nhiên, do giá muối thấp nên diêm dân đang phải chịu cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Ngành có giải pháp gì để hỗ trợ diêm dân giảm bớt khó khăn và lượng muối tồn đọng trên địa bàn tỉnh?

Một lần nữa, bà Phan Thị Thu Oanh thừa nhận đại biểu đã phản ánh đúng vấn đề. Nhằm giúp diêm dân giảm bớt khó khăn trong năm 2016, Sở đã có công văn đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí lợp tu, bảo quản muối năm 2016 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách.

“Hiện nay các huyện đang tiến hành công khai niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ tại xã, ấp và dự kiến sẽ giải ngân trung tuần tháng 8/2016”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nói.


Bao giờ diêm dân hết cảnh được mùa mất giá?

Bao giờ diêm dân hết cảnh "được mùa mất giá"?

Để giải quyết số lượng muối tồn đọng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, theo bà Oanh, Chính phủ đã cho chủ trương mua tạm trữ muối niên vụ 2016 cho các địa phương có lượng muối tồn cao và giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Tổng Công ty) thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016.

“Hiện Tổng Công ty đang phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành khảo sát số lượng, chất lượng muối tồn đọng trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu mua tạm trữ. Khi có chỉ tiêu kế hoạch thu mua tạm trữ cụ thể của Tổng Công ty, Sở sẽ thông báo đến diêm dân trên địa bàn tỉnh”, bà Oanh thông tin.

Huỳnh Hải