1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến:

"Tôi sẵn sàng đối chất với Bộ trưởng"

(Dân trí) - “Tôi muốn được đối chất với Bộ trưởng Đào Đình Bình trước cơ quan điều tra và báo chí”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã hơn một lần đề nghị như vậy khi trao đổi với báo chí ngày hôm qua (28/3), sau cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo bộ GTVT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tiến bức xúc:

 

Tôi không hiểu sao những sự việc xảy ra ở PMU 18 là vấn đề lớn, kéo dài trong nhiều năm, liên quan trực tiếp đến các lãnh đạo Bộ, vậy mà dư luận chỉ tập trung vào mình tôi. Tôi chỉ là Thứ trưởng, giúp việc cho Bộ trưởng.

 

Theo tôi, người đứng đầu ngành là Bộ trưởng, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp lý và công luận, vậy mà lại đứng ngoài cuộc. Bộ trưởng Đào Đình Bình lập ra người phát ngôn là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phạm Tăng Lộc. Nhưng hình như người phát ngôn này là của riêng Bộ trưởng.

 

Nếu cho rằng chỉ riêng cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm về những sai phạm thì tôi đề nghị được đối chất với Bộ trưởng trước cơ quan điều tra và các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT và các lãnh đạo Bộ phải kiểm điểm trách nhiệm về vấn đề sử dụng xe dự án…?

 

Về việc này, nếu có sai thì Bộ trưởng là người sai đầu tiên. Bộ sử dụng 23 xe nhưng chỉ 8 xe là có quyết định của Bộ Tài chính. 15 xe còn lại, trong đó có cả xe của Bộ trưởng, các thứ trưởng, cơ quan văn phòng Bộ… đều sử dụng xe của dự án. Vậy mà họ chỉ nói đến 4 xe tôi điều động từ các dự án của PMU18 là sai phạm.

 

Tôi  đề nghị Bộ phải xem xét, nếu quy kết việc cá nhân tôi điều động mấy xe ở cơ quan Bộ là sai thì tôi đề nghị được đối chất với Bộ trưởng trước cơ quan điều tra.

 

Có thông tin cho rằng một chiếc xe được điều động từ ban quản lý dự án lên Bộ, sau đó mất tích?

 

Không có xe nào bị mất cả. Chiếc xe mà dư luận nói rằng bị mất là do chính Bộ trưởng Đào Đình Bình ký chuyển cho Hội Cầu đường mượn. 

 

Rất nhiều thông tin cho rằng, nguyên TGĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng là do ông nâng đỡ?

 

Tôi cần phải nói rõ điều này, Bộ trưởng là người phụ trách về nhân sự. Năm 1998  Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký quyết định bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng, năm 2003 Bộ trưởng Đào Đình Bình ký bổ nhiệm lại. Việc bổ nhiệm lại không được thông qua Ban cán sự theo đúng nguyên tắc.

 

Về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ phải thông qua Ban cán sự. Không phải là lấy ý kiến mà là phải thông qua bằng họp trao đổi tập thể trong ban cán sự. Nhưng riêng trường hợp của Bùi Tiến Dũng khi bổ nhiệm lại được thông qua bằng lấy ý kiến trực tiếp của từng người. Chính Bộ trưởng, Bí thư ban cán sự là người trực tiếp bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng.

 

Có nghĩa là việc bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng không hề được thông qua tại một cuộc họp của Ban cán sự và có ý kiến trái chiều?

 

Đúng thế. Theo qui định thì phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ của cán bộ, sau đó họp Ban cán sự để trao đổi trực tiếp, từng thành viên nêu ý kiến sau đó biểu quyết thông qua. Còn trường hợp Bùi Tiến Dũng là trực tiếp lấy ý kiến của từng cá nhân. Trong số các ý kiến có một người ghi là không bình luận. Có thể người này có nhiều phân vân nhưng không họp Ban cán sự nên không có điều kiện để trình bày. Cho nên quy định họp tập thể là rất quan trọng. Một ý kiến có khi lại mang tính quyết định.

 

Khi kiểm điểm về công tác cán bộ, Bộ đã nhìn nhận ra việc thiếu lắng nghe ý kiến tập thể khi bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng. Vậy ai trong số các lãnh đạo Bộ đứng ra nhận trách nhiệm?

 

Theo tôi, Bộ trưởng không nhận là đã không lắng nghe, vẫn cho rằng làm như vậy là đúng thủ tục, đúng quy trình. Tôi thấy không riêng trường hợp Bùi Tiến Dũng mà còn nhiều trường hợp khác Bộ chưa làm đúng quy định, rất nhiều trường hợp lấy ý kiến riêng, chưa trao đổi tập thể, sau đó Bộ trưởng vẫn đồng ý.

 

Việc Bùi Tiến Dũng được bổ nhiệm chức TGĐ PMU18 (năm 1998), có dư luận cho rằng là do ông tác động?

 

Nói tôi đưa Bùi Tiến Dũng lên là không đúng. Ban đầu, Bùi Tiến Dũng được Bộ trưởng thời đó là ông Lê Ngọc Hoàn giao quyền TGĐ, sau đó cả quá trình theo dõi thì Ban cán sự mới xem xét bổ nhiệm. Chính Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký bổ nhiệm.

 

Khi tôi làm TGĐ PMU18, Bùi Tiến Dũng là cán bộ trẻ, năng động, hoàn thành các công việc được phân công và có tác phong hoạt bát, sôi nổi. Nói chung quan hệ quần chúng tốt. Những mặt hạn chế, tôi và tập thể cơ quan cũng xem xét uốn nắn, chỉ bảo.

 

Thời kỳ đó ông có nghe thông tin Bùi Tiến Dũng hành xử như dân giang hồ?

 

Không. Vụ va chạm ở quán cơm Thu Hằng tôi có ở đó. Khi xảy ra sự việc tôi đang ở tầng hai, tôi là người cuối cùng chạy xuống để can ngăn. Còn vụ thứ hai ở phố Bùi Thị Xuân thì tôi không có mặt nhưng có nhiều tin cho rằng tôi có mặt và bị giữ qua đêm tại công an phường.

 

Ông giải thích thế nào về việc đã bút phê vào văn bản cho một số công ty mà dư luận cho rằng đó là những doanh nghiệp “sân sau” của các cán bộ trong ngành giao thông?

 

Có hai công văn tôi ký theo đề nghị của các công ty tham gia đấu thầu, thi công. Theo qui định, tất cả văn bản của các đơn vị trong và ngoài ngành gửi đến Bộ đều qua văn phòng, văn thư, hoặc chuyên viên giúp việc đưa lên. Lãnh đạo Bộ phê chuyển xuống để giải quyết chứ không phải ghi để làm ám hiệu cho cấp dưới thi hành.

 

Trong gói thầu R1 thuộc dự án quốc lộ 2 do một thứ trưởng khác phụ trách, sao lại có văn bản do ông ký?


Đúng là dự án đó do thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phụ trách. Thời gian đó, Thứ trưởng Đức nghỉ việc gia đình nên bộ phận này cũng do tôi phụ trách trong vòng 2-3 tháng. Cục giám định trình lên việc điều chuyển một số đơn vị trong liên danh không hoàn thành khối lượng thi công cho đơn vị còn lại. Tôi không cảm thấy có dấu hiệu khuất tất, tiêu cực trong việc này như báo chí phân tích.

 

Thứ trưởng có biết việc lập liên danh giữa công ty Hoa Việt và công ty xây dựng 889 có trước cả khi công ty Hoa Việt được cấp phép thành lập?

 

Việc này tôi nghĩ các Ban quản lý, trên nữa là Cục giám định phải thẩm định tính pháp lý của nhà thầu trước khi cho tham gia dự thầu.

 

Theo ông, lãnh đạo Bộ phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra những sai phạm tại PMU18?

 

Để xảy ra các vụ việc như đổ tàu E1 và PMU18, nếu là Bộ trưởng, tôi sẽ từ chức.

 

Vậy với trách nhiệm của một Thứ trưởng thường trực?

 

  ..........(im lặng)

 

Xin cảm ơn ông.

 

Đức Hòa (ghi)