“Tội phạm mua bán người vùng biên giới ngày càng nhiều thủ đoạn mới”

(Dân trí) - Ngày 22/7, Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) đã tổ chức Hội thảo đa phương về phòng, chống mua bán người của các tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Savanakhet và Salavan (Lào), Mukdahan (Thái Lan).

Tham gia hội nghị lần này, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận về thực trạng mua bán người qua tuyến biên giới Việt-Lào và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong phòng chống mua bán người của Công an tỉnh Quảng Trị; Thực trạng và giải pháp trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về mua bán phụ nữ, trẻ em; Việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và sự phối hợp giữa các ngành, hội phụ nữ trong phòng, chống mua bán người của Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh Salavan, Savannakhet và Ủy ban phát triển phụ nữ Mukdahan...

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam thời gian qua tiếp tục gia tăng, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ năm 2011 – 2015, toàn quốc phát hiện 2.090 vụ buôn bán người, với 3.131 đối tượng, lừa bán 4.226 nạn nhân. Điều đáng nói, các nạn nhân trong những vụ buôn bán người chủ yếu được đưa bán ra nước ngoài (chiếm 85% số vụ). Riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã điều tra, khám phá 174 vụ với 232 đối tượng, 351 nạn nhân. Số vụ nạn nhân bị đưa bán ra nước ngoài là 148 vụ, trong đó 75% số vụ là đưa sang Trung Quốc.

Thống kê của các ngành chức năng cho thấy tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng phúc tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi
Thống kê của các ngành chức năng cho thấy tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng phúc tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng người dân sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có công ăn việc làm ổn định đã tổ chức đưa những người này sang các nước Trung Quốc, Lào với lý do ban đầu là tìm việc làm. Khi sang đó, số người này không có hợp đồng lao động hợp pháp, làm việc nhiều nhưng hưởng lương thấp hoặc không có lương, không được đi lại tự do vì không có giấy tờ hợp lệ, từ đó sẽ dễ dàng bị mua bán, bóc lột sức lao động.

Qua các đợt tổng điều tra, khảo sát, từ năm 1997 đến nay Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 10 nhóm/19 đối tượng thực hiện hành vi mua người ra nước ngoài, trong đó có 3 nhóm/6 đối tượng có biểu hiện liên quan đến hoạt động mua bán người qua Lào và Thái Lan. Tổng số nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài là 32 người, trong đó lừa bán sang Lào là 4 nạn nhân.

Từ năm 2011 – 2015, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã xác minh hơn 50 vụ việc nghi có liên quan đến tội phạm mua bán người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có sự nhẹ dạ cả tin của một số bộ phận người dân, dễ tin vào lời hứa hẹn đi làm ăn xa nhà hoặc kết hôn với người nước ngoài, ý thức cũng như hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao cũng tạo điều kiện cho tội phạm buôn bán người hoạt động, tìm kiếm địa bàn.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Hội LHPN tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) và Ủy ban Phát triển Phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực công tác, trong đó chú trọng hoạt động phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây.

Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hàng chục lớp tập huấn về di cư an toàn và phòng ngừa mua bán nười cho 1.401 người dân thuộc đối tượng di cư tiềm năng tại các xã tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị; tổ chức các điểm truyền thông, tư vấn lưu động về di cư an toàn và phòng ngừa mua bán người cho 467 người là công nhân tại các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và người dân thuộc các địa bàn biên giới.

Tiến Nhất