Tội phạm ma túy lập doanh nghiệp, tạo vỏ bọc để hoạt động xuyên quốc gia

(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 được Quốc hội xem xét trong ngày 4/11 dành phần dung lượng lớn cho vấn đề tội phạm ma túy. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh, Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy lớn…

Xưởng chế ma túy chứa hàng chục tấn tiền chất, hàng trăm lít thành phẩm

Với phương châm bắt giữ cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, góp phần chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại địa bàn cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, đã có 23.329 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma tuý bị phát hiện, thu giữ 1.222 kg heroin (giảm 23,86% so với năm 2018), 6.254 kg và 1,05 triệu viên ma túy tổng hợp (tăng 523,34% số kg, ít hơn 34,16% số viên ma túy tổng hợp); 614 kg thuốc phiện (giảm 6,88%); 815 kg cần sa (giảm 26,28%).

Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn. Điển hình là vụ bắt 1 đối tượng thu giữ 278 kg ma tuý tổng hợp (MTTH) tại Hà Tĩnh ngày 17/2/2019; mở rộng bắt 13 đối tượng (trong đó có 9 người Trung Quốc), thu giữ 300 kg MTTH tại TPHCM ngày 20/3/2019 và trao đổi với Cảnh sát Phlippines bắt thêm 276 kg MTTH.

Bên cạnh đó, vụ bắt 5 đối tượng, thu giữ 580 kg MTTH dạng đá, 40 bánh heroin tại Nghệ An ngày 14/4/2019; vụ bắt 4 đối tượng thu giữ 507,5 kg ketamine ngày 11/5/2019, vụ bắt 895 bánh heroin ngày 27/3/2019, vụ bắt 3 đối tượng thu giữ 1,1 tấn ma túy đá ngày 12/4/2019 (đều tại TPHCM) đều là những dẫn chứng rõ nét.

Qua đấu tranh, cơ quan công an khái quát, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia gia tăng mạnh. Chúng lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba.

Tội phạm ma túy lập doanh nghiệp, tạo vỏ bọc để hoạt động xuyên quốc gia - 1
Xưởng chế ma túy bị phát hiện tại Kon Tum với hàng chục tấn hóa chất, tiền chất ma túy, hàng trăm lít ma túy thành phẩm bị thu giữ.

Thủ đoạn chủ yếu của chúng (đối tượng người nước ngoài) là thành lập doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở Việt Nam) để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức sản xuất ma tuý, như vụ 7 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy, thu giữ hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất cùng nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để sản xuất ma túy tại Kon Tum.

Trong khi đó, vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam và đi nước thứ ba cũng rất phức tạp.

Số người nghiện tiếp tục gia tăng trong nước (đến tháng 9/2019, toàn quốc có trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018) là nguyên nhân khiến hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy diễn ra phức tạp.

“Người nghiện phần lớn đang ở ngoài xã hội, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây lo lắng với người dân” – báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng MTTH tiếp tục gia tăng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng loại ma tuý này trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới làm cho công tác kiểm soát gặp khó khăn.

Cán bộ thực thi pháp luật tiêu cực, sai phạm

Đi liền với hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm địa bàn trung chuyển ma túy xuyên quốc gia, Bộ trưởng Công an cũng cho biết, tội phạm, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng...).

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn kẽ hở cho tội phạm, vi phạm pháp luật. Công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả chưa cao.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Công an nhận định, do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến tình hình trong nước.

Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nguyên nhân chủ quan, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Phương Thảo